Bệnh viện Quốc Tế Tâm Trí Hồng Ngự
BS CKII. Lưu Trường Bách – BS CKII. Trịnh Đăng Khoa
TÓM TẮT
Sỏi tiết niệu là một tình trạng phổ biến, thường được phát hiện tình cờ trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ thông qua siêu âm. Một số bệnh nhân tìm kiếm sự chăm sóc y tế khi gặp các triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm khuẩn huyết hoặc choáng nhiễm khuẩn.
Một trong những nguyên nhân gây sỏi tiết niệu là sonde JJ được để tại chỗ quá lâu. Chúng tôi mong muốn báo cáo một trường hợp lâm sàng của "sỏi tiết niệu do sonde JJ bị bỏ quên" để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sau phẫu thuật.
Để hạn chế trường hợp "Sỏi tiết niệu hình thành trong cơ thể vì sonde JJ bị bỏ quên", các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải tư vấn kỹ lưỡng và giải thích đầy đủ cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân cần quan tâm đến trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các cuộc hẹn tái khám để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Từ khóa: sỏi hệ tiết niệu; siêu âm chẩn đoán sỏi hệ tiết niệu; biến chứng nguy hiểm của sỏi hệ tiết niệu; ống thông niệu quản JJ; tư vấn sau phẫu thuật; tuân thủ điều trị.
SUMMARY
Urinary stones are a common condition, which is often detected accidentally during a routine health check-up through an ultrasound. Some patients seek medical attention when they experience serious symptoms or complications, such as sepsis or septic stupor.
One of the causes of urinary stones is that the JJ sonde is left in place for too long. We look forward to reporting a clinical case of "neglected sonde JJ urinary stones" to highlight the importance of postoperative follow-up.
In order to limit the case of "Urinary stones formed in the body because of neglected JJ sonde", health care providers must thoroughly consult and fully explain to patients. In addition, patients need to take care of their responsibility in complying with follow-up appointments to avoid serious complications. This not only protects the health of patients but also improves the quality of healthcare services.
Keyword: Urinary stones; routine health check-ups through ultrasound; experiencing symptoms or serious complications of urinary stone; JJ-Stent; Post-operative consultation; treatment compliance.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ống thông JJ là một ống rỗng bằng nhựa dẻo được đặt vào niệu quản sau phẫu thuật sỏi thận, niệu quản hoặc tán sỏi niệu quản nội soi… để chuyển lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang nhằm tránh các biến chứng như: đau sau mổ do sót mảnh sỏi nhỏ di chuyển xuống, xì rò nước tiểu kéo dài, hẹp niệu quản…
Ống thông JJ có loại đặt từ 3 tháng đến 1 năm, sau phẫu thuật bác sĩ sẽ hẹn tái khám để lấy ống ra. Trong trường hợp người bệnh không tái khám theo lịch hẹn, ống thông để quá lâu sẽ xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Vấn đề bỏ quên ống thông JJ trong cơ thể người bệnh tuy không phổ biến nhưng cũng không phải hiếm gặp. Đa phần người bệnh đến với thầy thuốc khi có biến chứng nghiêm trọng, việc chữa trị rất phức tạp, tốn kém và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
CASE LÂM SÀNG
Bệnh nhân nam – 34 tuổi vào Bệnh viện Quốc tế Tâm Trí Hồng Ngự vì đau vùng hông lưng phải lan xuống hạ vị, tiểu buốt, tiểu khó. Cách nay 7 năm đã phẫu thuật lấy sỏi thận phải (mổ mở). Được các bác sĩ thăm khám và kết luận: Sỏi thận, sỏi niệu quản (P) gây thận (P) ứ nước độ III, nhiễm khuẩn huyết, sỏi bàng quang to do còn ống thông JJ niệu quản P bị đứt nhiều đoạn.
Hình ảnh CT-Scanner trước mổ |
Bệnh nhân được hồi sức tích cực, dùng kháng sinh phổ rộng và lên chương trình phẫu thuật bán khẩn.
Sau 72 giờ hồi sức. Có kết quả cấy nước tiểu: vi khuẩn Pseudomanas. aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) kháng tất cả các loại kháng sinh thông thường, chỉ còn nhạy với Netilmicin. Bệnh được điều chỉnh kháng sinh theo kháng sinh đồ và tiến hành phẫu thuật:
Thì một: Nội soi bàng quang thấy có cục sỏi to đường kính 45mm. Qua nội soi thám sát niệu quản (P) và lấy ra các đoạn ngắn ống thông JJ bị đứt.
Thì hai: Mở lỗ nhỏ bàng quang lấy trọn viên sỏi 45mm. Khâu bàng quang, dẫn lưu khoang Retzius. Đặt sonde niệu đạo dẫn lưu nước tiểu.
Thì ba: Rạch da theo đường mổ cũ hông (P), lớp cân bóc tách khó khăn do dính, niệu quản (P) dính chặt vào cơ thắt lưng chậu. Mở bể thận và nhu mô thận, xẻ niệu quản chỗ bắt chéo động mạch chậu ngoài lấy hết sỏi và hết JJ ra ngoài. Đặt lại thông JJ niệu quản. Khâu nhu mô thận thấy mô bở, nguy cơ xì, rò nên đặt ống dẫn lưu thận ra da. Đặt dẫn lưu cạnh thận. Khâu phục hồi các lớp.
Hình ảnh sỏi và thông JJ được lấy ra sau mổ
Sau mổ diễn biến bệnh ổn định và hồi phục dần. Cấy nước tiểu lần 2 sau phẫu thuật 7 ngày kết quả âm tính với vi khuẩn Pseudomanas. Aeruginosa. Bệnh nhân ra viện, hẹn tái khám lại sau 5 ngày.
BÀN LUẬN
Vấn đề tạo sỏi, bám vào ống thông JJ sau phẫu thuật đường tiết niệu được phẫu thuật viên chuyên ngành rất quan tâm. Giải pháp phòng, tránh không gì khác hơn là theo dõi sau phẫu thuật, lấy ống thông đúng thời gian khi mục đích điều trị đã đạt. Tuy nhiên, đôi lúc ống thông JJ lưu lại trong cơ thể người bệnh thời gian dài sẽ gây nên biến chứng nghiêm trọng như tạo sỏi, thận ứ nước, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn…
Việc tư vấn cho người bệnh và gia đình trước và sau phẫu thuật là vấn đề vô cùng cần thiết, giúp thầy thuốc trao đổi đầy đủ thông tin cũng như tầm quan trong của việc hợp tác giữa thầy thuốc với người bệnh trong suốt quá trình điều trị. Bất cứ lý do gì kênh thông tin này bị gián đoạn thì quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân không những không mang lại kết quả tốt mà còn tiềm ẩn nguy cơ, biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân.
Sỏi hệ tiết niệu do nguyên nhân ống thông JJ lưu giữ quá lâu trong cơ thể người bệnh thỉnh thoảng xảy ra, thời gian ống thông JJ bị lưu giữ có thể 3 năm, 7 năm (trường hợp này), 9 năm, 11 năm… Tuy nhiên, sỏi to, nhiều và phức tạp như trường hợp này là lần đầu chúng tôi gặp nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, nhất là người bệnh đến với bệnh cảnh biến chứng nặng nhiễm khuẩn huyết và đa kháng với kháng sinh.
Hình ảnh sỏi tạo từ sonde JJ lưu giữ lâu: 3 năm; 9 năm; 11 năm (Ảnh tham khảo từ đồng nghiệp)
Hình ảnh CT-Scanner trước mổ vô cùng hữu ích, giúp phẫu thuật viên lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp, mang lại kết quả tốt nhất. Trường hợp này trước mổ chúng tôi nhận thấy sonde JJ đã bị đứt nhiều đoạn, hai đầu tạo sỏi rất to nên đã chuẩn bị dụng cụ cho cả hai phương án mổ mở và nội soi niệu. Những đoạn ngắn JJ trong niệu quản được đưa xuống bàng quang theo ngã nội soi niệu quản. Sau đó được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh.
Hình ảnh CT-Scanner trước mổ với nhiều sỏi, sỏi to và sonde JJ bị đứt đoạn
Ngoài ra CT-Scanner trước mổ còn giúp phẫu thuật viên kiểm tra số lượng sỏi trong mổ, hạn chế tối đa tỉ lệ sót sỏi.
Hình ảnh CT-Scanner trước mổ và số lượng sỏi lấy được
KẾT LUẬN
Sỏi tiết niệu được tạo ra từ ống thông JJ lưu giữ quá lâu trong cơ thể người bệnh là vấn đề không mới nhưng thỉnh thoảng xảy ra gây ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe và gánh nặng tài chính cho người bệnh.
Bệnh nhân đến với thầy thuốc trong bệnh cảnh có biến chứng nặng nề như nhiễm khuẩn thận, bể thận; nhiễm khuẩn huyết; sốc nhiễm khuẩn… đe dọa sức khỏe và tính mạng.
Việc điều trị đôi lúc gặp khó khăn do sỏi to, nhiều sỏi, sonde JJ bám chặt vào niệu quản… dẫn đến bệnh nhân phải chịu đựng cuộc phẫu thuật kéo dài.
Kênh thông tin giữa thầy thuốc và bệnh nhân bị gián đoạn là nguyên nhân sâu xa cần phải cải thiện thông qua việc tư vấn đầy đủ trước và sau mổ, bệnh nhân cần biết được kế hoạch điều trị, sự phối hợp điều trị giữa thầy thuốc và bênh nhân tốt nhất, mang lại kết quả điều trị tối ưu nhất.
Phải có cái nhìn toàn diện về việc bệnh nhân không thực hiện đúng lịch hẹn tái khám. Không nên đổ lỗi cho bệnh nhân mà thầy thuốc cần nhận ra vấn đề là giải thích, tư vấn chưa đầy đủ, chưa đạt yêu cầu.
Tóm lại: để tránh những trường hợp sonde JJ lưu giữ quá lâu trong cơ thể người bệnh thì việc làm thiết thực nhất là thầy thuốc cần tư vấn, giải thích cặn kẽ, nêu ra được kế hoạch điều trị để từ đó đạt được sự hợp tác tốt nhất từ người bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trong nước:
Bộ Y tế - “Phác đồ điều trị sỏi thận-tiết niệu”.
Ngô Quang Trung – Đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mang ống thông niệu quản double-J – Luận văn Thạc sĩ Y học – Năm 2020.
Nguyễn Thị Ngọc - Nghiên cứu tình hình mắc sỏi hệ tiết niệu ở người trưởng thành tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh - Năm 2016 - Luận án chuyên khoa cấp II.
Phạm Thi Hằng – Thay đổi kiến thức và thực hành về phòng tái phát bệnh của người bệnh sỏi tiết niệu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định năm 2020 sau can thiệp giáo dục. Từ nguồn Internet:
https:Urinary tract infection (UTI) – Symptoms and causes [↩]
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/luu-y-quan-trong-voi-nguoi-benh-duoc-dat-sonde-jj/ https://tamanhhospital.vn/sonde-jj/ [↩] [↩]
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/luu-y-quan-trong-voi-nguoi-benh-duoc-dat-sonde-jj/ [↩] [↩] [↩]
https://tamanhhospital.vn/sonde-jj/ [↩]
https://benhvienbmt.com/ong-thong-nieu-quan-sonde-jj-bi-bo-quen-trong-co-the-11-nam/[↩]
https://vietgiaitri.com/cu-ba-bo-quen-ong-thong-nieu-quan-9-nam-trong-nguoi - 20210304i5612621/[↩]