Dự án con người hiện hữu (Visible Human Project - VHP) là một dự án được tạo ra nhằm biểu diễn những hình ảnh ba chiều hoàn chỉnh, chi tiết về mặt giải phẫu của cơ thể nam giới và nữ giới. Cụ thể, VHP cung cấp cho cộng đồng một thư viện gồm các hình ảnh cắt ngang thu được bởi CT scan và MRI từ một xác chết nam và một xác chết nữ. Bộ dữ liệu Visible Man được phát hành công khai vào năm 1994 và Visible Woman được phát hành vào năm 1995. Các gói dữ liệu VHP đã được áp dụng cho một loạt các mục đích giáo dục, chẩn đoán, lập kế hoạch điều trị, thực tế ảo, nghệ thuật, toán học và công nghiệp. Tính đến năm 2017, khoảng 3.800 người từ 66 quốc gia trên thế giới đã được cấp phép truy cập vào bộ dữ liệu.
Vào năm 2000, Susan Christina Potter (sinh ngày 25 tháng 12 năm 1927) - một người phụ nữ may mắn sống sót sau căn bệnh ung thư và là một nhà hoạt động vì người khuyết tật, đã trở thành người thứ ba hiến tặng cơ thể của mình cho dự án. Qua báo chí, Potter biết đến VHP và quyết định tham gia. Được tài trợ bởi Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health – NIH), nhóm thực hiện dự án con người hiện hữu đã xử lý và bảo quản cơ thể một người nam (bị kết án tử hình năm 1993 lúc 39 tuổi) và một phụ nữ (59 tuổi chết vì bệnh tim năm 1994). Các xác này được cắt thành từng lớp và số hóa để giảng dạy sinh viên y khoa. Susan muốn mình là người thứ ba nhưng là người sống đầu tiên tự nguyện hiến cơ thể để trở thành “xác chết bất tử”.
Thoạt đầu, chủ trì nhóm thực hiện là Tiến sĩ Vic Spitzer từ chối mong muốn của bà Susan vì thấy quá phức tạp bởi ông đang tạo ra những mô hình “cơ thể bình thường”, trong khi bà Susan lại có quá nhiều bệnh. Cuối cùng thì Susan đã thuyết phục được mọi người, nhưng Spitzer ra điều kiện là bà phải ghi hình phần còn lại của cuộc đời mình. Bà đồng ý và tiến sỹ Spitzer tiếp xúc với National Geographic để thực hiện dự án ghi hình một năm. Thật ngạc nhiên là Susan không chết sau một năm mà tiếp tục sống 15 năm nữa, khiến dự án trở nên tốn kém nhất trong số các dự án tài liệu nghiên cứu khoa học.
Trong gần hai thập kỷ, National Geographic* đã ghi lại câu chuyện của Susan Potter và bác sĩ Victor M. Spitzer, giám đốc Trung tâm mô phỏng con người tại Đại học Y Colorado Anschutz, người đứng đầu dự án do NIH tài trợ, phát hành video tài liệu năm 2018. Vào thời điểm Potter gặp Spitzer năm 2000, cô đã trải qua 26 cuộc phẫu thuật và được chẩn đoán mắc u ác tính, ung thư vú và tiểu đường, ngoài ra Potter đã từng bị tai nạn xe hơi nghiêm trọng và phải di chuyển trên xe lăn và dự kiến sẽ chết trong vòng một năm. Việc cô tham gia VHP đã đánh dấu một sự khởi đầu đáng kể từ các mục tiêu ban đầu của dự án cho đến lúc đó chỉ tập trung vào mổ xẻ và chụp ảnh cơ thể khỏe mạnh.
Trong suốt 15 năm kể từ khi ký hợp đồng với dự án năm 2000 và qua đời vì bệnh viêm phổi năm 2015 ở tuổi 87, Potter đã trở thành người của công chúng và là người ủng hộ thẳng thắn cho giáo dục y tế, tư vấn cho sinh viên y khoa tại Đại học Colorado. Sau khi cô qua đời vào lúc 5:15 sáng ngày 16 tháng 2 năm 2015, cơ thể của Potter được phủ một lớp polyvinyl alcohol đã được làm đông cứng ở −15 ° F (−26 ° C), được cắt thành bốn phần vào ngày 9 tháng 3 năm 2017 và sau đó cắt thành 27.000 lát, được quét riêng lẻ trong khoảng thời gian 60 ngày làm việc. Cuối cùng, Spitzer sẽ hồi sinh và cấu hình lại cơ thể Potter, như một dạng avatar kỹ thuật số có thể nói chuyện với các sinh viên y khoa và giúp họ hiểu, trong cuộc sống, cô đã được ghép lại như thế nào.
Giải phẫu là nền tảng của y học, đây là môn khoa học nghiên cứu hình thái, cấu trúc và các quy luật hoạt động sinh lý của các cơ quan cơ thể người trong mối liên hệ thống nhất với nhau. Để điều trị bệnh, trước tiên bác sĩ phải tìm hiểu cấu tạo của cơ thể. “Lắng nghe trực tiếp Potter nói về cơ thể, cảm xúc cùng những điều bà ấy phiền muộn sẽ tạo nên động lực mới. Bạn không chỉ học về giải phẫu hay sinh lý mà còn học về tính nhân văn”, tiến sỹ Spitzer đã chia sẻ.
Hiện nay, quá trình số hóa thi thể của Potter vẫn được tiếp tục, năm 2002 bà tuyên bố “ muốn giúp thế hệ trẻ trở thành các bác sỹ tốt hơn” và giờ đây, mong ước này đã dần trở thành hiện thực. Trong 15 năm cuối đời, Potter thường xuyên gặp gỡ các sinh viên y khoa để nói về tầm quan trọng của lòng trắc ẩn, nhiều sinh viên đã gắn bó với Potter từ ngày mới vào trường đến lúc tốt nghiệp và lập ra một đội mang tên bà, “đội Susan”
Dưới đây là link video của National Geographic chia sẻ về quá trình lúc còn sống và khi giải phẫu cơ thể Susan Potter.
*National Geographic là một hệ thống truyền hình phim tài liệu được Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ sản xuất. Kênh này có một số đặc điểm về chương trình giống như các kênh Discovery Channel về các phim tài liệu thiên nhiên, khoa học, và lịch sử.