Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

Liên hệ tuyển sinh

Gửi email cho chúng tôi:
Gọi hoặc Zalo cho chúng tôi:
Gửi hồ sơ về:
09 Nguyễn Gia Thiều, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Theo dõi chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội để không bỏ lỡ thông tin quan trọng về đăng ký, học bổng, cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng trong các hoạt động của chúng tôi.

Biểu tượng của ngành Y

    

Hình một con rắn cuốn quanh một cây gậy đã từ lâu được coi như biểu tượng của ngành Y. Tuy nhiên có một thời hình hai con rắn cuốn quanh một cây gậy và trên gần đầu cây gậy có một đôi cánh xoè ngang cũng đã được coi như biểu tượng cho ngành Y.

Hiện nay biểu hiệu một con rắn cuốn quanh một cây gậy là tượng trưng chính thức của ngành Y. Hình hai con rắn cuốn quanh một cây gậy có đôi cánh thường được dùng làm biểu tượng cho những tổ chức, những sản phẩm liên quan đến ngành y.

Bài viết ngắn này nói về nguồn gốc và sự khác biệt giữa hai biểu tượng cùng lý do đã gây nên sự lầm lẫn trong việc sử dụng hai dấu hiệu này.

Theo truyền thuyết, biểu hiệu y khoa có hình một con rắn cuốn quanh cây gậy liên quan đến thần Hy lạp tên Asclepios (Asclepius hay Aesculapius), vị thần của y khoa.

Những tổ chức nhắm vào nghề nghiệp và bệnh nhân trên thế giới kể cả Tổ chức Y tế Thế Giới (World Health Organization) đã dùng dấu hiệu cổ truyền y khoa “cây gậy của Asclepius” để làm biểu hiệu. Cây gậy Asclepius nguyên thủy có một con rắn cuốn quanh một cây gậy sần sùi có mấu khúc.

Cây gậy của Asclepius (Asklepios)

Theo truyền thuyết, Asclepius một y sĩ ngưòi Hy lạp hành nghề khoảng 1200 B.C., và được xem như là thần y khoa, thường được miêu tả như một người đàn ông có râu, mặc áo hở ngực, tay trái cầm một cây gậy có một con rắn linh thiêng cuốn chung quanh tượng trưng cho sự tái hồi trẻ trung như con rắn lột xác. Dần dần qua huyền thoại và truyền thuyết, Asclepius đuợc thờ phụng như là thần Hy lạp Asclepius chuyên chữa trị bệnh tật.

Trường y khoa ở Hy-lạp ngày xưa liên kết với những đền đài mang tên là Asclepions (Asclepieia) để tưởng nhớ Asclepius. Những trung tâm Asclepion trở nên quan trọng trong xã hội Hy-lạp. Bệnh nhân tin tưởng rằng họ có thể khỏi bệnh nếu được ngủ tại những đền đài này. Bệnh nhân thường đến thăm viếng, cho quà, hy sinh cho thần, và được chăm sóc chữa trị bởi những nhà tu hành ở đền đài đó (Asclepiadae). Sự sùng tín Asclepius lan rộng sang tận La-mã và tiếp tục tồn tại đến tận thế kỷ thứ sáu.

Những nhà tu hành Asclepiadae là những y đạo sĩ có nhiệm vụ cai quản những nơi trị liệu linh thiêng này, và được cha truyền con nối. Những con rắn vô hại của Aesculapius được giữ trong những trung tâm chữa trị Asclepieia xây bởi Hy-lạp cổ và sau đó là La-mã để tuyên danh thần. Những con rắn này thấy ở nam Âu châu, một số vùng bên Đức, Áo, những nơi mà La mã đã cai trị. Những con rắn ở đền có thể đã thất thoát ra ngoài và sinh sôi thêm.

Rắn này có tên là Elaphe longissima, họ Colubridae, da nhẵn mềm, thân mảnh mai, lưng màu nâu, có những sọc màu đậm hơn ở sau mắt, bụng màu trắng ngà có vảy có thể bám dễ dàng trên những bề mặt làm rắn có thể bò trên cây. Đây là loại rắn nguồn gốc từ Asia Minor, và vài vùng Trung đông có lẽ do người La mã mang giống rắn này về vì đặc tính chữa bệnh của chúng.

Rắn liên quan đến khoa học gắn liền với chất độc và chết chóc, cùng mang một ý niệm siêu hình.

Và rắn đã từ lâu được xem như là một biểu hiệu cho Y Học, nghề nghiệp Y khoa, và độc chất học.

Theo lòng tin ngày xưa thì rắn có thể chữa trị hay làm lành được vết thương khi đụng đến. Rắn cũng liên hệ đến dược lực học, và khử trùng, vì rắn có đặc tính chứa chất chống nọc độc để bảo vệ chống lại chính nọc độc của mình. Cũng theo truyền thuyết thì rắn cũng ám chỉ tính cách chuyển thể giữa thế giới người chết siêu hình và người trần vì rắn bò trên mặt đất và có thể mang lại chết chóc. Khả năng lột da của rắn tượng trưng cho tuần hoàn của cuộc sống và làm cơ thể trẻ lại.

Trong ngành Y, biểu tượng rắn cuốn quanh cây gậy và trong ngành Dược biểu tượng rắn cuốn quanh một cái chén thuốc, đã đuợc biết qua những chứng tích cổ xưa ở vùng Địa Trung Hải như Hy lạp hay Ai Cập.

Là một biểu tượng cho Y Khoa cận đại, ngành độc chất học, con rắn cuốn chung quanh một cây gậy bên cạnh một cái chén dược thuốc tượng trưng cho Y Khoa và thuốc độc.

Lời thề Hippocrates nguyên thủy bắt đầu bằng câu :“Tôi thề, trước thần Y khoa Apollo và bên Asclepius và Hygeia và Panacea cùng tất cả các thần…” .

Dựa theo lời viết thì học giả viết lời thề này không phải theo trường phái y khoa Hippocrates, mà có lẽ do trường phái hoặc những kẻ theo Pythagoras.

Tên thần Asclepios cũng đã đuợc dùng để đặt cho một phân họ trong ngành thảo mộc. Loại cây có mủ như sữa (milkweed) thuộc giống Asclepias, và dược thảo asclepias tuberosa (rễ pleurisy). Ngoài ra asclepias syriaca cho hoa và chất nhựa latex như thụ dịch (sap). Asclepias syriaca thuộc bộ Gentianales, gia đình Apocynaceae, họ Asclepiaoideae

Ngoài biểu hiệu chữa bệnh trong ngành y, cây gậy của Asclepius (gậy của Asclepios, Asculapius, hay Askepian) là một tượng trưng cổ xưa Hy-lạp liên quan đến thiên văn, gậy Asclepius tượng trưng cho Ophiuchus, còn được gọi làOphiuchus serpentarium, biểu hiệu thứ mười ba của thiên văn (sidereal zodiac).
Về nguồn gốc câu chuyện cây gậy và con rắn cuốn quanh thì có nhiều giải thích khác nhau. Biểu hiệu được đặt tên theo một truyền thuyết của Hy- lạp, dù rằng cây gậy và con rắn có thể đã được truyền tụng lâu hơn trước nữa.

Thần thoại Hy-Lạp:

Theo thần thoại Hy-Lạp, Asclepius, vị thần chữa bệnh, là con của Apollo và nữ thủy thần Coronis. Khi có thai Asclepius, Coronis bí mật có một người tình hạ giới. Khi Apollo khám phá ra, Apollo sai Artemis giết Coronis. Sau khi Coronis chết, thì Apollo cứu thai nhi còn sống trong bụng Coronis và nuôi Asclepius. Asclepius đã học y thuật từ vị thần đầu người thân ngựa (nhân mã) Chiron. Asclepius chữa bệnh rất giỏi và có lần đã cứu sống được một bệnh nhân đã được coi như đã chết.

Asclepius đã được kể lại là có một lần đã làm Hippolytus sống lại sau khi Hippolytus bị con ngựa của ông ta chạy cuồng kéo đến gần chết sau khi bị một con bò rừng làm hoảng sợ. Chỉ đến khi Asclepius sắp sửa làm nhà săn nổi tiếng Orion sống lại sau khi Orion bị người tình vô ý bắn bằng một mũi tên, thì chúa thần diêm vương Hades không kiên nhẫn được nữa. Hades than phiền với Zeus rằng càng ngày càng ít người xuống âm phủ, và uy tín của diêm vương Hades có thể bị suy giảm. Hades nêu lên rằng chỉ có thần mới được bất tử, nay nếu Asclepius được phép làm người chết sống lại thì loài người cũng trở nên bất tử.

Chúa thần thiên giới Zeus đồng ý với Hades vì cảm thầy sự bất tử của các Thần trên trời có thể bị đe doạ nên ra lệnh giết Asclepius bằng một cơn sấm sét. Apollo rất tức giận khi biết Asclepius bị sấm đánh chết. Sau một thời gian, Zeus cảm phục tài của Asclepius nên đặt Asclepius vào trong chòm sao trên trời, mang tên là Ophiuchus (Thần mang rắn).

(Xin lưu ý là những chuyện thần thoại chỉ nên được coi như là thần thoại, để tránh sự đả kích của khoa học gia, thiên văn gia với những nghiên cứu nghiêm túc và có căn bản khoa học).

Asclepius có ba người con gái tên là Meditrina, Hygeia và Panacea tượng trưng cho Y học, khoa học về sức khỏe, và vạn năng (tất cả đều có nghĩa là chữa khỏi bệnh), và hai con trai tên Machaon và Podalirius, cả hai người con trai đều là y sĩ trong quân đội Hy lạp (chuyện viết trong Homer’s Iliad).

Lưu ý là Lời thề Hippocrates ngày xưa viết “…thề trước thần y khoa Apollo, Aesculapius, Hygeia, và Panacea…”

Trong thời Ki tô giáo cổ, chòm sao Ophiuchus (Snake Nebula) được nhắc đến liên quan đến thánh Saint Paul cầm Maltese Viper.

Cũng có truyền thuyết Hy-lạp cho rằng Podalirius, con trai của Asclepius, đã chiến đấu bên cạnh dân Achaeans trong trận chiến Trojan, và chữa khỏi bệnh cho Philoctetes với vết rắn cắn nổi tiếng mà Philoctetes đã phải chịu đựng dai dẳng cả mười năm.

Thuyết “Con giun”
Một vài học giả lại viết rằng biểu hiệu này là biểu tượng cho một con giun cuốn quanh một cây gậy, giun này là một ký sinh trùng giun chỉ mang tên Dracunculus medinensis. Giun này còn được gọi là “con rắn dữ dằn”, “con rồng của Medina”, “con giun thử nghiệm”. Đây là một loại giun ký sinh thường thấy trong thời cổ, nó nằm ẩn dưới da, được y sĩ chữa trị bằng cách rạch da nơi có giun nằm ẩn. Khi con giun bò ra khỏi vết cắt thì y sĩ lấy ra bằng cách cuốn nó từ từ quanh một cây gậy cho đến khi cuốn được hết con giun ra. Người ta cho rằng y sĩ thời đó có thể đã quảng cáo dịch vụ của họ bắng một cái bảng hiệu có vẽ một con giun cuốn quanh một cây gậy. Thời Trung cổ đã tưởng lầm rằng con giun này là một con rắn và từ đó đã miêu tả hình ảnh này như một con rắn cuốn quanh một cây gậy.

Nguồn gốc Thánh Kinh
Biểu tượng con rắn bằng đồng có tên Nehushtan đã được nhắc đến trong Thánh kinh. Trong Bộ sách những con số (số 21:6) của Thánh kinh có viết rằng người Do thái (Israelites) than phiền với Moses và Chúa về hoàn cảnh tuyệt vọng của họ (Tại sao ngài lại mang chúng tôi…để chết trong trong hoang dã? Vì chắng có thức ăn và nước uống….”(21:5).Ngoài nguồn gốc thần thoại Hy Lạp, và nguồn gốc dân dả, còn có nguồn gốc Thánh kinh.

Sự than phiền này làm Chúa nổi giận nên sai rắn hung dữ tấn công người Do thái. Nhiều người chết quá làm người Do thái phải chạy đến Moses và cầu khẩn Chúa tha tội cho họ. Chúa nguôi giận, bèn sai Moses làm một cây gậy có một con rắn bằng đồng cuốn quanh. Những người nào đã bị rắn cắn chỉ cần nhìn vào cây gậy này là tự nhiên khỏi bệnh. Có thể cũng vì lý do này mà Nehushtan đã mang ảnh hưởng đến cho cây gậy Asclepius và đuợc dùng sau đó như một biểu tượng cho y khoa và ngành y.

Hình 1: Năm 1508, dưới sự tài trợ của Pope Julius II, Michelangelo Buonarroti đã vẽ trên trần toà Sistine Chapel một cảnh minh họa thiên tai rắn với dân Do thái và sự thành hình của rắn bằng đồng.

 

Hình 2: Hình thứ hai cho thấy Moses cầm gậy có rắn đồng, chữa rắn cắn cho dân Do-thái.

 

  
     Hình 1                                 Hình 2

 

Cây gậy như biểu tượng cho ngành y
Từ đầu thế kỷ thứ 16, cây gậy Asclepius và cây gậy sứ giả caduceus của Hermes đã đuợc dùng như là dấu hiệu của nhà in, đặc biệt in sách cho dược điển (pharmacopoeia) vào thế kỷ thứ 17 và 18. Dần dần cây gậy và con rắn của Asclepius xuất hiện như một biểu hiệu riêng rẽ cho ngành y.

Mặc dù cây gậy của Asclepius được coi là đại diện cho y khoa và chữa trị, dấu hiệu cây gậy sứ giả của Hermes (caduceus) với một cây gậy và hai con rắn cuốn quanh dưới đôi cánh xoè ngang được xem như là biểu hiệu y khoa thông dụng hơn tại Hoa Kỳ. Nhiều người đã dùng chữ caduceus với ám chỉ có ý nghĩa cho cả hai biểu tượng.

Ứng dụng trong Nghề nghiệp
Hình con rắn và cây gậy của Asclepius được dùng làm biểu tượng cho rất nhiều cơ quan liên hệ đến ngành Y. Một số được kể như sau:

Dịch vụ cấp cứu y khoa Star of Life
American Medical Association
American Veterinary Medical Association
American Osteopathic Association
Australian Medical Association
Bristish Royal Army Medical Association
American Hippocratic Registry
World Health Organization
Australian Veterinary Association
Malaysian Medical Council
MediAlert

Một số biểu tượng trên thế giới: 

Như đã đề cập, ngoài biểu tượng con rắn và cây gậy của Asclepius, nhiều khi một y hiệu có hai con rắn cuốn một cây gậy, và hai bên có đôi cánh cũng được dùng làm biểu hiệu cho ngành y hay y sĩ. Biểu tượng có hai con rắn cuốn trên một cây gậy có cánh thường được gọi là Caduceus. Chữ Caduceus gốc Hy Lạp có nghĩa là “Đũa thần của sứ giả”.

Ngành Quân Y của Mỹ dùng biểu tượng này từ năm 1856 làm biểu tượng riêng của họ, khác với biểu tượng chính thức của ngành Y từ trước đó với một con rắn cuốn trên một cây gậy.

Sự nhầm lẫn này xẩy ra đã lâu, và gần đây hơn y hiệu Caduceus cũng đã được một vài cơ quan dùng làm biểu tượng sau khi Quân Y Hoa Kỳ chính thức dùng biểu hiệu này.

Sự nhầm lẫn dấu hiệu tượng trưng cho ngành y xẩy ra sớm từ thế kỷ thứ 19 (1956). Năm 1902 dấu hiệu được thêm vào đồng phục của giới Quân Y. Sự không hợp nhất về dấu hiệu y khoa đã được nhân viên thư viện lưu ý giới chức có thẩm quyền, nhưng dấu hiệu vẫn không thay đổi.

Năm 1901, ngành quân y Pháp đã được đặt là La Caducée. Sau đó nãm 1902 dấu hiệu caduceus được ngành Quân y Hoa Kỳ chính thức dùng. Sau Đệ nhất Thế chiến, dấu caduceus được coi là dấu hiệu của Bộ Quân Y và Cục bộ Nhà thương Hải quân (Navy Hospital Corps.). Hiệp hội Y khoa Hoa kỳ cũng dùng y dấu caduceus một thời gian nhưng đến nãm 1912 thì loại bỏ và sau đó cây gậy của Asclepius được dùng thay thế.

Góp phần vào sự lầm lẫn này là một số nhà in sách đã dùng dấu caduceus in vào nhiều sách học y khoa như một dấu ấn của nhà in, và điều này làm nhiều người hiểu nhầm đó là dấu hiệu dành cho ngành y.

Một chút thống kê
Năm 1992, một bản thống kê của Walter J. Friedlander tìm hiểu về cách sử dụng dấu y khoa ở Hoa kỳ tường trình rằng 62% nghề nghiệp liên quan đến ngành y dùng cây gậy và một con rắn của Asclepius, còn 76% tổ chức thương mại dùng dấu caduceus.

Friedlander quan sát 242 dấu hiệu hay huy hiệu của những tổ chức hay cơ quan Hoa kỳ liên quan đến y tế và y khoa đã dùng dấu caduceus hay cây gậy của Asclepius từ năm 1970 đến những nãm 1980s. Tác giả nhận thấy những hiệp hội nghề nghiệp thì thường dùng cây gậy Asclepius nhiều hơn (62%), trong khi những cơ sở thuơng mại thì lại thường dùng dấu caduceus hơn (76%).

Ngoại lệ là trong nhà thương, chỉ có 37% dùng cây gậy Asclepius so với 63% dùng y dấu caduceus (có lẽ vì nhà thương ở Hoa kỳ thường là những tổ chức thương mại có phúc lợi).

Tác giả Friedlander cũng cho rằng trong khi sự hiện hành của caduceus trên phương diện thương mãi có lẽ được coi như nhiều-hay-ít đều thích hợp, thì hiệp hội nghề nghiệp chuyên môn hiểu rõ ý nghĩa hai dấu hiệu nên tôn vinh biểu tượng cây gậy Asclepius, còn những tổ chức thương mãi thì trú trọng nhiều hơn đến sự bắt mắt của dấu hiệu hiện diện trên những sản phẩm quảng cáo của họ (caduceus nhìn đẹp, cân đối, và quen thuộc) nên dùng caduceus.

Tìm hiểu thêm về dấu Caduceus của Mercury (La mã) và Karykeion của Hermes (Hy lạp)

Nhiều tổ chức liên quan đến ngành y dùng biểu hiệu một cây gậy ngắn được cuốn quanh bởi hai con rắn (caduceus), và trên đỉnh có một đôi cánh xoè ra hai bên. Biểu hiệu này đúng ra là một biểu hiệu cho cây đũa thần của thần Hy lạp Hermes (hay thần La mã Mercury), một vị sứ giả của thần, một nhà sáng tạo ảo thuật, một kẻ điều khiển chết chóc, và che chở cho thương gia và kẻ trộm.

Chữ caduceus nguyên thủy từ chữ karykeion của Hy lạp (có nghĩa cái cây gậy của người truyền tin), chữ này tự nó căn cứ theo từ eruko có nghĩa là kiềm chế, câu thúc.

Sự sử dụng caduceus của những tổ chức thương mại như hãng bào chế thuốc và quân đội (Hoa kỳ) đã làm caduceus bị hiểu nhầm là tượng trưng cho ngành y.

Cây gậy của thần Hermes (The Caduceus of Hermes)

Tưởng cũng cần nói về thần Hermes và cây gậy có đôi rắn cuốn quanh.

Thần Hy lạp Hermes còn được gọi là thần Thoh ở Ai cập, thần Taaut của dân Phoenix, và thần Mercury của La mã. Tất cả đền mang chung một đặc điểm liên hệ đến cây gậy thần và đôi rắn.

Huyền thoại nguyên thủy về cây gậy thần có đôi rắn cuốn quanh đã được miêu tả trong câu chuyện “Bộ ngực của Tiresias”, chuyện kể nhà tiên tri Tiresias Poulenc thấy hai con rắn đang giao hợp nên dùng gậy thần đâm vào giữa để chia rẽ đôi rắn. Ngay sau đó Tiresias lập tức bị biến thành một người đàn bà trong 7 năm trường. Cái quyền lực biến đổi trong câu chuyện này mạnh đủ để hoàn tất sự đảo ngược ngay cả lưỡng cực thể chất của nam nữ, từ sự hợp nhất của hai con rắn, truyền lên cây gậy. Cây gậy của Tiresias với đôi rắn sau đó được truyền lại cho Hermes.

Liên quan huyền bí của cây gậy Hermes: Một miêu tả kỳ bí về cây gậy của Hermes là đôi rắn có thể tượng trưng cho năng lực âm dương trong thiền phái Kundalini khi năng lực này (con rắn cuốn nằm ở đáy cột sống) chuyển từ những khung quay như bánh xe đạp (chakras) và chung quanh cột sống (cây gậy) lên đến đầu là nơi thông tin tiếp cận trí tuệ với linh hồn qua đôi cánh thế lực của Hermes.

Cây gậy năng lực trên đây thường thấy bầy bán ở nhiều tiệm bán đồ ma thuật phù thuỷ miêu tả một cây gậy như dương vật tượng trưng cho tiềm năng của đàn ông, được cuốn sát quanh bằng hai con rắn đang giao hợp.

Lý do cây gậy caduceus được dùng như một biểu tượng Y học.

Theo một bài viết thì sự liên kết giữa Hermes, cây gậy của Hermes và Y học đuợc coi như bắt nguồn từ sự nối liến Hermes với alchemy. Vào cuối thế kỷ thứ 16, ngoài y khoa và ngành dược, sự nghiên cứu về alchemy bao gồm cả hóa học, quặng mỏ, và thuật luyện kim.

Dấu hiệu Y khoa hiện đại: Tại sao một rắn lại nhiều hơn hai rắn
Với những ai chú ý đến lịch sử Y khoa thì bài viết trong The Annals số ngày 15 tháng 4 2003 của Robert A. Wilcox và Emma M. Whitman (vol. 138 Issue 8/ p. 673-677) rất đáng đọc. Phần tóm lược của bài viết như sau.

Ngày nay mô hình hai con rắn thường dùng để tượng trưng cho thực hành và nghề nghiệp y khoa. Trên toàn thế giới, biểu tượng thông dụng nhất trong ngành y là một con rắn cuốn quanh một cây gậy của Asklepios (Latin: Aesculapius), một vị thần y khoa của Hy lạp-La mã. Tuy nhiên, trong Hoa Kỳ, cây gậy của Asklepios với một con rắn và biểu hiệu hai con rắn cuốn quanh cây gậy phía trên đầu gậy có đôi cánh chim xoè ra (dấu hiệu caduceus) đều thông dụng như biểu tượng cho ngành y. Dấu hiệu hai rắn thường được coi như là “sứ giả y khoa” cũng tương tự như dấu hiệu caduceus cổ xưa với cây gậy của thần Hy lạp-La mã tên là Hermes (Latin, Mercury). Nhiếu y sĩ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng y dấu caduceus có nguồn gốc khá mới. Sự sáng chế ra y dấu này không phải dựa theo cây gậy của thần Hermes mà là dấu hiệu của nhà in của một nhà xuất bản sách y khoa nổi tiếng vào thế kỷ thứ 19. Thêm vào đó, y dấu mới này chỉ trở nên thông dụng sau khi được Tổ chức Quân Y Hoa Kỳ chính thức dung vào đầu thế kỷ thứ 20.

Trong bài viết, những chữ gốc Hy lạp được dịch sang Anh ngữ với lối viết tương tự nhất như lối viết Hy lạp. Do đó những chữ Asklepios, Hygieia, Hippokrates, và Epidavros đã được dùng thay vì Asclepius, Hygeia, Hippocrates, và Epidaurus.

Bàn thêm về Rắn
*Trong lịch sử Ai-cập, rắn giữ một vai trò quan trọng với con rắn hổ mang của sông Nile trang điểm trên vương miện của pharaoh ngày xưa. Rắn được thờ như một thần linh và cũng được dùng trong những mục đích hiểm ác như giết đối phương hay lễ nghi tự tử (Cleopatra).

*Trong thần thoại Hy-lạp, rắn thường được liên kết đến đối kháng chết người và nguy hiểm. Rắn cũng được xem là biểu tượng gắn liền với đất. Con quái vật giống rắn chín đầu Hydra của Lerna là thần giữ cửa của diêm vương. Hydra sau bị Heracles (Hercules) giết chết với công tác thứ 2 trong 12 công tác của Hercules. Ngoài Hydra còn Medusa. Medusa với mái tóc toàn rắn là một nữ quái vật có khả năng biến đàn ông thành đá khi bị Medusa nhìn. Medusa bị Perseus giết chết, cắt đầu như hình ảnh thần thoại đã miêu tả.

  

     Hercules và rắn Hydra 9 đầu              Perseus chém đầu Medusa    

* Ấn-độ thường được gọi là đất của rắn. Rắn được thờ như thần. Hiện nay vẫn còn hình ảnh đàn bà Ấn-độ đổ sữa vào bình mang dạng rắn. Rắn hổ mang được thấy mang trên cồ trong hình Shiva và Vishnu ngủ trên rắn có 7 đầu với con rắn cuộn tròn. Nhiều điện đài ở Ấn-độ chỉ thờ rắn hổ mang, mệnh danh là Nagraj. Họ tin rằng rắn mang lại trù phú. Hàng năm cũng có một ngày lễ Ấn-độ gọi là Nag Panchami để vinh danh rắn.

* Trong Ki-tô giáo và đạo Do thái, rắn đã được biết đầu tiên như là động lực làm Eva quyến rũ Adam với trái cấm của Cây Kiến thức. Rắn trở lại Thánh kinh qua câu chuyện kể Nehushtan như đã viết ở trên. Và sau cùng rắn cũng là biểu hiệu cho Satan trong bộ Tân Ước Kinh.

* Chữ Ouroboros (Hy-lạp) hay Oroboros là một biểu hiệu cổ miêu tả một con rắn nuốt đuôi của chính nó và tạo thành một vòng tròn. Vòng tròn này tượng trưng cho đời người và tái sinh, dẫn đến bất tử.

* Rắn là động vật sằp hàng thứ sáu trong 12 năm biểu hiệu 1 con giáp tính theo âm lịch.

Kết luận:
Rắn có lẽ là một trong những sinh vật huyền bí được nhắc nhở rất nhiều trong văn chương lịch sử. Biểu hiệu của ngành Y với con rắn cuốn quanh cây gậy có nguồn gốc từ Asclepius hay nguồn gốc nào khác cũng như cái chén thuốc có một con rắn biểu hiệu cho ngành Dược là một đề tài thích thú với tác giả những hàng chữ này. Bài viết với nhiều chi tiết còn thiếu sót, được viết với mục đích duy nhất là để chia sẻ với độc giả.

Tài liệu thu lượm trên mạng lưới điện tử là nguồn cung cấp chính. Xin lưu ý sự thiếu sót ghi nhận tác giả những hình ảnh hay tài liệu là ngoài sự mong muốn của người viết.

Nguồn SVQY

Tài liệu sử dụng thu thập :

  1. Emerson, John (July 2003). Eradicating Guinea worm disease: Caduceus caption.http://www.backspace.com/notes/2003/07/27/x.html.
  2. Engle, Bernice S., “The Use of Mercury’s Caduceus as a Medical Emblem”, The Classical Journal Vol 25, No. 3 December 1929:204-208.
  3. Friedlander, Walter J (1992). The Golden Wand of Medicine: A History of the Caduceus symbol in medicine.Greenwood Press. ISBN 0-313-28023-1.
  4. Garrison, Fielding H. , “The use of the caduceus in the insignia of the Army medical officer,” Bulletin of the Medical Library Association 9 (1919-20:13-16).
  5. Jayne, W.A., The Healing Gods of Ancient Civilization, Yale University Press, 1925, pp 331-34; Berdoe E., Origin and Growth of the Healing Art, London, Sonnenschein, 1893, p150, footnote)
  6. Tyson, Stuart L., “The Caduceus”, The Scientific Monthly, Vol. 34, No. 6, June 1932: 492-498
  7. Wilcox, Robert A; Whitham, Emma M (15 April 2003). “The symbol of modern medicine: why one snake is more than two”. Ann Intern Med. 2003;138:673-677.

http://en.wikipedia.org/wiki/Rod_of_Asclepius
http://en.wikipedia.org/wiki/Dracunculiasis
http://en.wikipedia.org/wiki/Nehushtan
http://www.annals.org/cgi/content/abstract/138/8/673.
http://www.perseus.tufts.edu/Herakles/hydra.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Medusa

Trịnh Nguyễn Đàm Giang

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/tai-sao-ran-la-bieu-tuong-nganh-y-108844.html

PCTU pctu Hội nghị khoa học