Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

Liên hệ tuyển sinh

Gửi email cho chúng tôi:
Gọi hoặc Zalo cho chúng tôi:
Gửi hồ sơ về:
09 Nguyễn Gia Thiều, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Theo dõi chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội để không bỏ lỡ thông tin quan trọng về đăng ký, học bổng, cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng trong các hoạt động của chúng tôi.

Lịch sử phát triển của nền y học thế giới và Việt Nam

Y học là một lĩnh vực khoa học ứng dụng liên quan đến nghệ thuật chữa bệnh, bao gồm nhiều phương pháp chăm sóc sức khỏe nhằm duy trì, hồi phục cơ thể từ việc phòng ngừa và chữa bệnh.

A. Lịch sử y học Thế giới

Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lịch sử y học có thể đã ra đời cùng với lịch sử phát sinh bệnh tật và lịch sử người thầy thuốc. Trong hang Ba anh em (La Grotte des Trois Frères) người ta đã tìm được bức vẽ cách đây khoảng 17 ngàn năm mô tả một phù thủy đầu hưu đang chữa bệnh.

Y học phát triển theo năm tháng và theo vùng, nhanh hay chậm tùy theo sự phát triển của nền văn hóa, kinh tế, văn minh và đặc điểm của từng dân tộc.

Có nhiều cách phân tích lịch sử y học thế giới: phân tích theo vùng, phân tích theo thời gian, phân tích dựa theo sự tiến bộ của các phương pháp tiếp cận và nghiên cứu phát triển của ngành Y Học. Phương pháp cuối này đơn giản và rõ ràng hơn. Theo phương pháp phân tích này, các nhà nghiên cứu phân tích lịch sử y học thế giới thành 4 giai đoạn:

1- Giai đoạn Y Học Tâm Linh (Spiritism Medicine)

Vào đầu thời La Mã cổ đại, người Hy Lạp cổ tin rằng bệnh tật là "sự trừng phạt của thánh thần" và chữa bệnh là một "món quà từ các vị thần". Người ta nhận ra rằng tâm trí đóng một vai trò quan trọng trong chữa bệnh và nó cũng có thể là căn nguyên duy nhất của bệnh.

Vào thời kỳ xa xưa đó, nền y học La-Hy mang nhiều tính chất thần thoại. Mỗi khi mắc bệnh, người La Mã đến đền thờ cầu khẩn các vị thần linh: Minerva, Diana, Hygiea...

Tại vùng Lưỡng Hà và Ai Cập, vào thời kỳ cổ đại, trong khoảng thời gian 3500 – 1500 năm trước CN đã phát triển nền y học sơ khai. Trong nền y học sơ khai này, siêu nhiên có mặt trong tất cả các khía cạnh bệnh tật và chữa bệnh: Bệnh tật và tai họa đều được gán cho các tác nhân siêu nhiên: thần thánh, ma quỷ… Trong thời kỳ này việc chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị bệnh đều cần đến ma thuật, cúng kiến, cầu khẩn…Nguyên nhân của bệnh tật đều được cho là do ma quỷ, thần thánh, thần linh… Các phù thủy, shaman (người lên đồng), thầy pháp... là những người đứng ra phù phép, cúng kiến… để “chữa bệnh’ cho mọi người trong vùng. (1)

Ở phương đông: Vùng Ấn Độ có rất ít tài liệu ghi lại. Kinh Vệ Đà có ghi lại những tài liệu được soạn ra trong khoảng 1500 – 1000 trước CN cho thấy những thầy thuốc, được xem như thần thánh, chiến dấu chống lại ma quỷ, cử hành những nghi thức thần bí chống lại bệnh tật, dịch bệnh. Tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu không tìm thấy lài liệu nào về sự phát triển y học trong giai đoạn này. Họ chỉ tìm được các dấu vết rất nhạt nhòa trong các câu chuyện được truyền tụng trong dân gian.

Y thuật tâm linh (YTTL) là hiện tượng chữa bệnh dựa vào các quyền lực thần bí. Trong thời kỳ này, người ta tin rằng bệnh là do sự quở phạt của thần linh. Khi có bệnh người ta nhờ cậy vào “thầy Mo”, “thầy cúng” cầu thần linh cho khỏi bệnh. (2)

Lịch sử y học trong giai đoạn này được ghi lại rất ít, mơ hồ. Những tiến bộ về y học trong thời kỳ này phát triển tại những vùng cách nhau và biệt lập. Do không có nhiều trao đổi thông tin, không có trường dạy về y học nên trong thời gian dài sự tiến bộ không nhiều và không đồng bộ.

Ngày nay vẫn còn nhiều nơi trên thế giới tồn tại giai đoạn y học này, trong đó có Việt Nam.

Y học trong giai đoạn này kém hiệu quả do dựa trên cơ sở mê tín nên trong thời gian dài không có tiến bộ đáng kể. Dần dần nó được thay thế bởi nền y học tến bộ hơn, hiệu quả hơn, đó là Giai đoạn Y Học kinh nghiệm. Sự thay thế này diễn ra trên những vùng riêng biệt và nhờ vào một số nhân vật xuất chúng, tự phát ở mỗi nơi.

2- Giai đoạn Y Học Kinh Nghiệm (Empiric Medicine)

Đây là giai đoạn mà các thầy thuốc thông minh xuất chúng ở rải rác nhiều nơi trên thế giới tự mình tích lũy kinh nghiệm, đưa các kinh ghiệm ấy vào việc khám, chữa bệnh làm cho việc điều trị có hiệu quả hơn. Họ quan sát, tích lũy kinh nghiệm và chữa bệnh dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay được truyền lại. Giai đoạn này phát triễn mạnh mẻ ở vùng Trung - Ấn.

Trong giai đoạn này người ta chỉ thuần túy dựa vào kinh nghiệm để chẩn đoán và điều trị. Các thầy thuốc ghi nhận: Người bệnh đau gan thì bị vàng da. Khi bị vàng da (đau gan) thì uống thuốc A sẽ giảm. Thầy thuốc không lý giải được vì sao đau gan lại vàng da, hoặc một số thầy thuốc tìm cách giải thích theo suy nghĩ của mình (không chắc là đúng hay không). Vả lại đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân trên một số trường hợp nên dễ chủ quan và sai lệch.

Y Học kinh nghiệm được ghi nhận từ lâu, trong nhiều nền văn minh cổ như Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp hay Trung Hoa. (1), (3), (4), (5)

- Y học thời cổ Ai Cập: Kim tự tháp được xây dựng trong giai đoạn này với thời gian kéo dài hàng trăm năm và hơn chục vạn nô lệ làm việc. Lúc đó xẩy ra tai nạn thường xuyên nên các kỹ thuật điều trị chấn thương được hình thành từ đó. Trong thời kỳ này ngành y học Ai Cập đã tổ chức thành các chuyên khoa theo các bộ phận cơ thể như: Khoa mắt, khoa chấn thương, ướp xác … và đã có những tiến bộ đáng kể.

- Y học cổ vùng Lưỡng Hà: Ở thời kỳ này người ta đã biết một số bệnh do muỗi truyền. Dược phẩm được dùng ở thời kỳ này là tỏi, hạt cải, mướp đắng, lưu huỳnh và cà độc dược.

- Y học cổ Trung Quốc: Châm cứu đã được hình thành và phát triển với sự ra đời của thuyết âm dương, ngũ hành. Nhiều tác phẩm y học nổi tiếng như Thần nông bản thảo và Hoàng đế nội kinh ra đời trong giai đoạn này. Nội kinh là cuốn sách liệt kê các lý luận và thực hành y học. Các danh y đời Hán thời đầu công nguyên cho ra đời cuốn sách Thần nông bản thảo kinh. Sách tổng hợp các loại dược liệu, gồm 365 vị thuốc bổ và thuốc chữa bệnh như ma hoàng chữa bệnh hen, thuỷ ngân chữa bệnh ngoài da...

Hoa Đà (145-208), là một thầy thuốc nổi tiếng cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông được xưng tụng như một Thần y nổi tiếng không chỉ trong Trung Quốc mà cả trong các nước đồng văn hóa như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, được xem là một trong những ông tổ của Đông Y. Ông cùng Đổng Phụng và Trương Trọng Cảnh được xưng tụng là Kiến An tam Thần y. Biển Thước, là một thầy thuốc trứ danh thời Chiến Quốc và được xem là một trong những danh y đầu tiên được ghi chép sớm nhất trong các thư tịch của lịch sử Trung Quốc. Tương truyền ông chính là người khai sinh ra phương pháp bắt mạch, là người đặt tiền đề quan trọng cho Đông y. Do tiếng tăm và các điển tích thần kỳ, về sau Biển Thước cùng Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được hậu thế xưng tụng “Trung Quốc cổ đại Tứ đại danh y”. Tác phẩm của ông còn có “Biển Thước nội kinh”, “Biển Thước ngoại kinh” và “Nạn kinh”.

2

Danh Y Hoa Đà

Châm cứu cũng đã bắt đầu phát triển. Thế kỷ XI có ông Vương Duy Nhất đã đúc tượng đồng để khắc các huyệt vào đó. Y học thời Tống, từ thế kỷ XIII, xuất hiện cuốn “Tây Oan lục” là cuốn sách đầu tiên nói về pháp y. Thế kỷ XVI người Trung Quốc đã biết cách chủng đậu.

Y học cổ La Mã, Hy Lạp xuất hiện:

Claudius Galenus (129–200/217), hay còn gọi là Galen là một thầy thuốc và nhà triết học nổi tiếng người La Mã gốc Hy Lạp và có lẽ là nhà nghiên cứu y học tài ba nhất của thời La Mã. Các học thuyết của ông đã chi phối và ảnh hưởng đến y họcphương tây hơn một thiên niên kỷ. Giải thích của ông về y học giải phẫu được thực hiện trên khỉ (do việc giải phẫu người không được phép thực hiện vào thời đó), nhưng nó không được chú ý nhiều cho đến khi những bản in miêu tả và minh họa về giải phẫu người được Andreas Vesalius xuất bản năm 1543. Giải thích của ông về các hoạt động của tim, động mạch và tĩnh mạch kéo dài cho đến khi William Harvey đưa ra năm 1628 rằng máu tuần hoàn trong cơ thể với tim hoạt động như một máy bơm. Đến thế kỷ 19 các sinh viên y học vẫn tìm hiểu về Galen để học tập một số quan điểm của ông. Galen đã thực hiện một số thí nghiệm thắt dây thần kinh để lý giải cho học thuyết rằng não điều khiển mọi chuyển động của cơ liên quan đến hệ thần kinh ngoại biên và sọ.

Galien (131-205) có nhiều đóng góp cho nghiên cứu giải phẫu hệ cơ, xương, khớp, thần kinh.

Giai đoạn Y Học kinh nghiệm phát triển khắp nơi trên thế giới, mạnh nhất là ở phương đông, vùng Trung-Ấn, nên thường được gọi là Đông Y. (1), (3), (5).

Vì nhiều lý do khác nhau: Dựa vào kinh nghiệm cá nhân của một số thấy thuốc, các vấn đề y học không được giải thích bởi các luận lý khoa học nên những kiến thức y học trong giai đoạn này không đáp ứng được nhu cầu thực tế chữa bệnh cho con người và giúp cho ngành y tế phát triển xa hơn. Diễn ra trong thời kỳ phong kiến nên nền y học này nhằm phục vụ vua chúa và những người của giai cấp thượng lưu, những người trong triều đình nên sự phát triển bị hạn chế.

Sự phát triển kinh tế ở phương đông sau một thời gian dài bùng nổ đã bắt đầu chững lại nhường chổ cho sự phát triển công nghiệp, khoa học phát triển ở phương tây. Ngành Y Học cũng theo đó rẽ sang một hướng khác: Y Học khoa học, giai đoạn y học được soi sáng bởi ánh sáng khoa học.

3- Giai đoạn Y Học Khoa Học (Scientific Medicine) hay Y Học Thực Nghiệm (Experimental Medicine): (1), (2), (3), (4) (6)

- Hyppocrate (460-377 TCN) được xem là tổ sư của ngành y mà kế thừa ngày nay là y học phương Tây hay Tây y. Ông là một trong những người có công lao về y học và có thể coi là người sáng lập ra y học thực nghiệm. Ông cũng được ghi nhận như người đầu tiên thành lập trường y khoa, cũng là người soạn ra lời thề Hippocrates (về sau được Celsus bổ sung). Galen đã đặt nền tảng phát triển cho lý luận y khoa. Sau khi đế chế La Mã sụp đổ và bắt đầu thời Trung Cổ, các lương y trong thế giới đạo Hồi đã kế tục và tạo nên bước đột phá lớn cho ngành y nhờ được hỗ trợ từ bản dịch sang tiếng A rập các công trình của Hippocrates và Galen. Nhiều lương y tiên phong nổi tiếng là người A Rập, như ông Avicenna được gọi là "tổ sư y học hiện đại", ông Abulcasis là tổ sư ngành phẫu thuật, ông Avenzoar là tổ sư ngành phẫu thuật thực nghiệm, ông Ibn al-Nafis và ông Averroes là tổ sư ngành sinh lý học tuần hoàn (circulatory physiology), ông Rhazes sáng lập ngành nhi khoa. Họ vẫn còn để lại ảnh hưởng cho y học phương Tây đến thời Trung đại.

hippocrates_3

Ông tổ ngành Y - Hyppocrate

Những quan điểm và thực tiễn cơ bản của Hyppocrate về y học như sau:

Tách rời tôn giáo và y học, xây dựng y học trên cơ sở vật chất, dựa vào quan sát cụ thể những dấu hiệu của bệnh. Bệnh tật là một hiện tượng tự nhiên của cơ thể, không có ma lực huyền bí gì gây nên.

Nguyên tắc cơ bản để chữa bệnh chủ yếu là trợ lực cho sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, phải tránh tất cả những gì cản trở khả năng tự chữa và sức khỏe tự nhiên của bệnh nhân. Cách điều trị của Hyppocrate rất thận trọng "Không được làm bất cứ điều gì một cách táo bạo. Thầy thuốc dù không làm được gì cho bệnh nhân, nhưng không được gây tác hại gì cho họ".

Ông đề ra thuyết môi trường, con người sống không cô lập mà dù muốn hay không vẫn phải tuân theo các quy luật tự nhiên. Vai trò của người thầy thuốc là không được đối lập tự nhiên mà phải tạo điều kiện thuận lợi cho tự nhiên, cho cơ thể chống lại bệnh tật. Việc ăn uống đã được ông nghiên cứu rất kỹ, các chế độ ăn uống được ghi rõ ràng. Ông còn là một nhà tiết chế dinh dưỡng, nhà vệ sinh học.

Hyppocrate và các học trò đã biết bệnh lao, ung thư, thiếu máu, bướu cổ, “bệnh xanh mét của phụ nữ”, sỏi mật, ứ máu, động kinh, các chứng liệt, hysteria, rối loạn tâm thần, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, gan, lách, thận, tiết niệu, sinh dục, xương, da, tai mũi họng, dị ứng do thức ăn.

Hyppocrate là một nhà phẫu thuật, đã mổ và chữa gẫy xương, nắn sai khớp, chữa vết thương đầu. Dụng cụ phẫu thuật rất phong phú: dao mổ, que thăm dò, muổng nạo...

Về thuốc: dùng thuốc phiện, cà độc dược, thuốc ngủ, an thần, muối chì, muối acid, muối đồng, thuốc mỡ để điều trị.

- Claude Bemard (1813-1873) sáng lập y học thực nghiệm, thống nhất sinh lý học, bệnh học và điều trị học. Ông đã nghiên cứu thần kinh giao cảm, chức phận tạo đường của gan, vai trò của dịch tụy trong tiêu hóa. Về quan điểm và phương pháp của mình, ông viết: "Biết và chưa biết là 2 thái cực khoa học cần thiết". Ông cũng đã nhấn mạnh mối liên quan giữa cơ thể và môi trường.

- Louis Pasteur (1822-1895) nhà hóa học, nhà vi khuẩn học đầu tiên. Năm 1879, Pasteur cô lập và nuôi cấy liên cầu khuẩn. Pasteur thấy rằng bệnh dại lây nhiễm nhờ một tác nhân nhỏ không tìm thấy dưới kính hiển vi, nhờ đó mở ra thế giới phát hiện ra virus. Kết quả là ông đã triển khai được kỹ thuật tiêm vaccin cho chó chống bệnh dại và điều trị cho người bị chó dại cắn.

- Davaine (1812-1882)Rayet (1793-1863) năm 1850 tìm ra trực khuẩn than.

- Năm 1880 Eberth tìm ra trực khuẩn thương hàn.

- Robert Koch (1843-1910) năm 1884 tìm ra trực khuẩn lao.

- Calmette (1863-1933) và Guérin năm 1921 tìm ra vaccin BCG chủng lao.

- Louis Pasteur (1822) phát hiện ra tụ cầu và liên cầu năm 1890.

- Năm 1865 Mendel (1822-1884) thí nghiệm về lai thực vật.

- …

Trong giai đoạn này các thầy thuốc nghiên cứu giải thích các hiện tượng y học theo khoa học. Người ta giải đáp được các thắc mắc: vì sao bệnh nhân đau gan bị vàng da? Một loại thuốc tác dụng chữa bệnh như thế nào? Các thầy thuốc cũng là nhà khoa học tìm ra và chứng minh được các tác nhân gây bệnh, các cơ chế sinh bệnh (mechanism of disease), chế được các thuốc chữa bệnh có tác dụng thực sự vào các chuyển biến sinh lý bệnh gúp cho việc chữa bệnh có hiệu quả hơn. Từ nền tảng đó các nhà khoa học tìm hiểu ngày càng sâu xa hơn các nguồn gốc gây ra bệnh tật và phát triển những phương pháp điều trị phù hợp.

Giai đoạn Y Học Khoa Học hay Y Học Thực Chứng phát triển mạnh mẻ ở các nước phương tây nên thường được gọi là Tây Y.

4- Giai đoạn Y Học Hiện Đại: (6), (7), (8)

Y học hiện đại là một trào lưu mới có mục đích thiết lập quy trình chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất bằng phương pháp "xét duyệt có hệ thống" (systematic review) và "phân tích gộp" (meta-analysis) theo thống kê. Nó phát triển nhờ tiến bộ của khoa học thông tin hiện đại giúp thu thập và phân tích khối lượng dữ liệu, bằng chứng rất lớn theo quy chuẩn, sau đó phổ biến cho các nơi làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay phòng trị bệnh. Một nan đề cho phương pháp "tối ưu" này là nó có thể bị xem là cách tiếp cận có kịch tính (dramatic), nghĩa là sẽ tạo ra nhiều đánh giá khác nhau. Báo cáo của chương trình hợp tác Cochrane là phong trào chủ trương ý kiến này năm 2001 cho biết trong 160 bản "xét duyệt có hệ thống" của Cochrane, căn cứ vào ít nhất hai người nhận xét, thì có 21,3% bằng chứng không đầy đủ, 20% không công hiệu và 22,55% bằng chứng là dương tính. Từ đó Y Học phát triển sang giai đoạn:

- Y Học Chứng Cứ (YHCC - Evidence Based Medicine-EBM): (7), (10), (11).

Là một khái niệm được đề cập lần đầu tiên năm 1972 bởi Giáo sư Archie Cochrane trong quyển sách của ông “Effectiveness and Efficiency: Random Reflections on Health Services”. Theo Nhóm Làm việc về Y học Chứng cứ, Viện Đại học Illinois, Mỹ thì YHCC là một cách tiếp cận trong thực hành y khoa trong đó người thầy thuốc lâm sàng quan tâm đến những chứng cứ hỗ trợ cho việc thực hành lâm sàng và giá trị của những chứng cứ đó.

Y học được mệnh danh là một khoa học tức là dựa trên những chứng cứ vậy thì tại sao lại có y học chứng cứ? Thật sự thì dù là một khoa học, việc thực hành y học không bao giờ mang tính hệ thống và nhất quán một cách tuyệt đối khi mà việc chẩn đoán, tiên lượng và điều trị chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố từ tâm lý đến văn hóa, kinh tế, xã hội. Thầy thuốc không phải là một cái máy mà là một con người, cũng có lúc mệt mỏi, căng thẳng hoặc buồn bực, giận hờn… Ngoài ra người thầy thuốc còn chịu ảnh hưởng bởi thái độ, cách xử sự của bệnh nhân. Về những yếu tố văn hóa, ngoài những tập quán, chuẩn mực, giá trị thuộc về văn hóa địa phương, người hầy thuốc còn chịu ảnh hưởng của trường phái, của ý kiến của những người có uy tín hoặc ở vị trí cao tại cơ sở thực hành v.v… Những yếu tố kinh tế, xã hội cũng ảnh hưởng đến thực hành của người thầy thuốc chẳng hạn như cơ sở vật chất, điều kiện, quy định làm việc, tình trạng kinh tế của bệnh nhân, của bản thân thầy thuốc v.v…

Từ khi internet phát triển, có quá nhiều các thông tin, trong đó có các thông tin về y học. Trong số những thông tin đó có những thông tin có giá trị, có thông tin ít giá trị thậm chí có những thông tin sai lệch, chủ quan (vô tình hay cố ý). Vì vậy phải đặt ra một hệ thống lọc, giúp nhà nghiên cứu chân chính chọn được những thông tin quý giá, loại ra những thông tin sai lệch, chủ quan thậm chí lừa bịp vì những mục đích xấu.

Y học chứng cứ (Evidence-based medicine) được định nghĩa như là một phương pháp thực hành y khoa dựa vào các dữ liệu y học một cách sáng suốt và có ý thức, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân.

Bằng chứng khoa học mang tính chính thống là những dữ liệu được công bố trên các tập san khoa học được cộng đồng khoa học công nhận. Hiện nay, chỉ trong ngành y sinh học, đã có ít nhất 30.000 tập san (nhưng chỉ khoảng 10% nằm trong danh sách của Viện thông tin khoa học -- Institute of Scientific Information). Với một lượng thông tin khổng lồ như thế, không một bác sĩ nào có thể cập nhật hóa kiến thức một cách đầy đủ.

Y học chứng cứ đòi hỏi bác sĩ phải sử dụng dữ liệu y học một cách “sáng suốt và có ý thức”. Nói cách khác, không chỉ là tiếp nhận dữ liệu, người thầy thuốc phải hiểu dữ liệu đó có ý nghĩa gì, và có đáng tin cậy hay không, để từ đó đi đến những so sánh khách quan hơn và quyết định tốt hơn.

Nghiên cứu y học được công bố trên các tập san nghiên cứu y khoa thường rất đa dạng, và xuất hiện với nhiều danh từ, thuật ngữ không mấy quen thuộc. Một số nghiên cứu thường thấy là meta-analysis (phân tích tổng hợp), randomized controlled clinical trial (RCT, nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên), prospective (longitudinal) study (nghiên cứu theo thời gian), cross-sectional study (nghiên cứu tiêu biểu một thời điểm), và case-control study (nghiên cứu bệnh chứng). Giá trị khoa học của những nghiên cứu này không giống nhau. Theo y học thực chứng, các nghiên cứu sau đây có giá trị khoa học xếp theo tứ tự cao nhất đến thấp nhất:

1. Textbook
2. Phân tích tổng hợp hay phân tích gộp (Meta-analysis).
3. Nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled clinical trial - RCT). Nghiên cứu HOPE: một nghiên cứu RCT tiêu biểu
4. Nghiên cứu theo thời gian (longitudinal studies hay prospective study)
5. Nghiên cứu tiêu biểu một thời điểm (cross-sectional studies)
6. Nghiên cứu bệnh chứng (case-control study)
7. Báo cáo trường hợp lâm sàng (case reports)
8. Nghiên cứu cơ bản (basic research)
9. Ý kiến cá nhân và điểm báo, xã luận

Nói một cách khác làm việc theo cách tiếp cận y học chứng cứ chính là một tiến trình học tập dựa trên vấn đề, không phải chỉ diễn ra ở một giai đoạn nào mà liên tục suốt đời người.

- Y Học Cá Thể Hóa (Personalized Medicine) hay Y Học Chính Xác (Precision Medicine): (8), (9).

Trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, những tiến bộ đáng kinh ngạc của di truyền học hiện đại, đặc biệt là thành quả nghiên cứu tế bào gốc và bản đồ gen người đã giúp các nhà khoa học dự đoán được phản ứng của cơ thể nhờ phân tích bộ gen của chính người bệnh. Xu hướng “cá thể hóa” trong y học phương Tây đang được đánh thức để hình thành mô hình mới đầy hấp dẫn: Y học chính xác.

Y học chính xác hay y học cá thể hóa (PM) được hiểu một cách đơn giản là điều trị đúng bệnh nhân với đúng thuốc, đúng liều, và vào đúng thời điểm. Nói rộng hơn, PM có thể được coi là công tác y tế chăm sóc phù hợp với các đặc điểm cá nhân, nhu cầu và sở thích của mỗi bệnh nhân trong tất cả các khâu bao gồm: phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và theo dõi.

Thực ra, ý tưởng này có nguồn gốc từ thời cổ đại: Hipprocrates - “cha đẻ của nghề y”- đã từng kê đơn “người nào thuốc ấy”, không ai giống ai, dựa trên đặc thù bệnh mà mỗi người mắc phải. Ngày nay, y học hiện đại cũng đang sử dụng các nguyên tắc trên nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ thành tựu của công nghệ gene.

PM là mô hình y tế đề xuất phương pháp chăm sóc sức khỏe tùy biến, với các quyết định (chẩn đoán, dự phòng, chăm sóc, điều trị) và các sản phẩm (thuốc, thực phẩm…) được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân dựa trên thông tin di truyền của chính họ và đặc thù căn bệnh.

Căn cứ vào bản đồ gene của mỗi người, PM sử dụng những chẩn đoán phức tạp và tinh tế để đưa ra phác đồ điều trị chính xác, phù hợp với đặc điểm di truyền của từng người ở cấp độ phân tử. Hiện nay, PM mới dừng lại ở mức độ phân nhỏ nhóm bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị, nhưng khi bản đồ gen người hoàn toàn được giải mã, PM sẽ càng thêm hoàn thiện. Khi đó, các bác sĩ có thể thiết kế những mô hình chăm sóc sức khỏe “vừa khít” và hoàn hảo cho từng bệnh nhân.

Cơ sở khoa học của PM là các thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ gene, cụ thể là sử dụng dữ liệu từ dự án bộ gene người và các kỹ thuật di truyền. Năm 1990, dự án sinh học hợp tác toàn cầu có tên gọi là Human Genome Project - HGP được triển khai với sự tài trợ và quản lý của Bộ Năng lượng và Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ. Dự án hệ gene người kết thúc cũng là lúc bắt đầu nền y học hệ gene, bản đồ gene người đang được nghiên cứu ứng dụng thường ngày trong y khoa. Bác sĩ Collins, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gene người của Mỹ cho rằng, bản đồ gene người như quyển sách giáo khoa về y học, đưa ra vô số phương cách mới hỗ trợ điều trị và phòng bệnh cho từng cá thể. Sự hiểu biết về hệ gene người giúp tạo nên các công cụ chẩn đoán mới, phát hiện sớm hơn các bệnh như ung thư, đái tháo đường, tăng cholesterol máu... Các bác sĩ có thể xác định đặc điểm hệ gene của tế bào ác tính, từ đó đưa ra liệu pháp điều trị dựa trên các đột biến gene. Cách tiếp cận này hứa hẹn mang lại hiệu quả điều trị cao và hạn chế tối đa tác dụng phụ. Với trình tự gene có được, cùng với các kỹ thuật di truyền hiện đại, hoàn toàn có thể xác định được nguy cơ mắc bệnh ngay khi cơ thể đang khỏe mạnh. Đây chính là một trong những tiền đề cho sự phát triển của PM, xu hướng phát triển tất yếu của y học.

Như vậy, lịch sử phát triển của Y Học thế giới từ thời kỳ cổ đại đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Sự phát triển của Y Học chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: tập quán vùng miền, tâm - sinh lý của dân tộc, chế độ chính trị, sự biến đổi của lịch sử, kinh tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ … Một số nhà nghiên cứu lịch sử phân chia lịch sử y học theo vùng miền: Y Học Hy Lạp – La Mã – Ai cập, Y Học Trung – Cận đông, Đông Y, Tây Y hoặc theo thời gian: Y Học cổ đại, Y Học Trung cổ, Y Học cận đại … Tuy nhiên, theo chúng tôi phân chia lịch sử phát triển của Y Học theo phương pháp tiếp cận bệnh và hướng chữa bệnh cũng như những thành tựu mà ngành Y Học đạt được trong công cuộc chữa bệnh một cách có hiệu quả, đem lại sự sống, sức khỏe và hạnh phúc cho con người là cách nhìn hợp lý và dễ hiểu nhất. Theo khuynh hướng này có thể xếp lịch sử phát triển y học thế giới thành 4 giai đoạn:

1- Giai đoạn Y Học Tâm Linh (Spiritism Medicine)

2- Giai đoạn Y Học Kinh Nghiệm (Empiric Medicine)

3- Giai đoạn Y Học Khoa Học (Scientific Medicine) hay Y Học Thực Nghiệm (Experimental Medicine)

4- Giai đoạn Y Học Hiện Đại

a- Y Học Chứng Cứ (Evidence Based Medicine).

b- Y Học Cá Thể Hóa (Personalized Medicine) hay Y Học Chính Xác (Precision Medicine)

Sự đánh giá đúng đắn này sẽ thúc đẩy Y Học tiến bộ nhanh hơn, phục vụ vụ con người tốt hơn.

2. LỊCH SỬ Y HỌC VIỆT NAM

Nhìn một cách tổng quát, y tế Việt Nam đã biến đổi một cách sâu sắc ở tất cả các mặt từ nhận thức tư tưởng, bộ máy tổ chức, phương thức hoạt động, chiến lược phát triển.

Y học cổ Việt Nam

Vệ sinh và phòng bệnh cũng đã xuất hiện tuy còn rất thô sơ tương tự như cộng đồng dân tộc khác trên thế giới. Một số tục lệ liên quan đến sức khoẻ như: cắt tóc, xăm mình, mặc áo chui đầu, nhuộm răng, ăn trầu... Trong ăn uống họ biết ăn gừng với cá cho khối tanh và dễ tiêu; uống nước lá vối, nụ vối và chè xanh để giải khát và giúp tiêu hoá.

Y dược học Việt Nam đã bắt đầu giao lưu với với y học Trung Quốc: đó là những người Trung Quốc thường sang lấy thuốc ở Việt Nam cũng như đưa cả giống thuốc Việt Nam về trồng (như quả vải, quả nhãn, quả ý dĩ) và truyền thụ cho ta một số kiến thức về y học. Đến thế kỷ II TCN có hàng trăm vị thuốc được phát hiện, nhiều phương thuốc được áp dụng để chữa bệnh. Ngoài ra còn dùng cách xoa bóp, ấn huyệt để điều trị bệnh.

Y học Việt Nam trong xã hội phong kiến

Trong giai đoạn này y học Việt Nam chưa thực sự phát triển mặc dù đã hình thành các tổ chức có liên quan đến y tế. Chủ yếu chữa bệnh bằng thuốc nam và đông y. Y học dự phòng chưa được quan tâm, ngoại trừ Lê Hữu Trác có viết tài liệu liên quan đến vệ sinh phòng bệnh.

- Thời nhà Lý: Năm 1010 - 1026, Triều đình nhà Lý thành lập Ty thái y. Nhà Lý mở khoa thi đầu tiên năm 1075 tại Quốc Tử Giám. Trong nước đã có thầy thuốc chuyên nghiệp và có nhiều nhà sư kiêm thầy thuốc

- Thời nhà Trần: Từ năm 1226 - 1339 Nhà Trần đã nâng Ty thái y lên Viện thái y và mở khoa thi để tuyển lương y.

- 1304 Chu Văn An đỗ tiến sỹ và được cử làm hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám, sau đó ông về làm thuốc và có viết cuốn sách Y học diễn giải tập chú dịch biên, cuốn này nói lên một số bệnh tật.

- Thời nhà Lê: Hải Thượng Lãn ông (tên thật là Lê Hữu Trác (1720 - 1791)) là một nhà y học có học vấn uyên bác, nhà dược học nổi tiếng. Về học thuật ông viết cuốn Y tông tâm tĩnh gồm 28 tập, 66 quyển. Tập sách nói về đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh, về chẩn đoán và dược học; các loại bệnh án nội, ngoại, sản, nhi. Ông luôn chú ý đến mối quan hệ giữa cơ thể với môi trường bên ngoài. Về đạo đức ông luôn thể hiện là một người thầy thuốc mẫu mực, tận tuỵ và nhiệt tình với mọi người.

000-9

Hải thượng lãn ông - Lê Hữu Trác

Y học Việt Nam từ khi Pháp vào Đông Dương

Năm 1888 Pháp lập ra sở y tế ở Đông Dương là cơ quan chỉ đạo công tác y tế gồm y tế quân đội viễn chinh, các bệnh viện, thanh tra y tế - dịch tễ...

Ngày 27/2/1902 toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã lập trường thuốc ở Hà Nội. Trường thuốc chỉ có một thư viện và một bệnh viện 40 giường bệnh. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là Yersin. Trường này được gọi là trường y sỹ. Khung chương trình xây dựng đào tạo y sĩ bản địa với thời gian 3 năm. Đến năm 1914 đổi tên thành trường y dược. Các bệnh viện thực tập của trường là bệnh viện Bạch Mai, Viện Giải phẫu, Viện Phủ Doãn (Việt Đức ngày nay).

Chính quyền Pháp đã quan tâm đến tình hình bệnh ở vùng nhiệt đới nên đã thành lập Viện Pasteur với các cơ sở ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh; chủ yếu là để nghiên cứu vi khuẩn, vaccin (bạch hầu, dại...) và sản xuất vaccin; đánh dấu bước đầu tiên trong việc phát triển công tác dự phòng trong ngành y học Việt Nam. Tuy vậy, trong giai đoạn này vẫn nhấn mạnh việc điều trị, phòng bệnh không được coi trọng.

Kết quả: Trong thời kỳ Pháp chiếm đóng nước ta có 51 bác sĩ, 152 y sỹ, 21 dược sỹ đại học, 1227 y tá, 215 nữ hộ sinh. Các bệnh dịch bệnh lúc này cũng phát triển mạnh, tỷ lệ tử vong trẻ mới đẻ là 13 - 20%, tỷ lệ chết chung là 2,6%, tuổi thọ trung bình là 32 tuổi.

Y học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám

Ngày 15/11/1945 Trường Đại học Y Hà Nội khai giảng do Giáo sư Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng đã đánh dấu sự phát triển của ngành y tế. Bác sĩ Tôn Thất Tùng giữ chức giám đốc bệnh viện Phủ Doãn, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giữ chức bộ Trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Cuối năm 1953 đầu năm 1954 Bộ y tế đã sắp xếp lại tổ chức và Vụ Phòng bệnh - chữa bệnh ra đời, đến năm 1956 tách ra thành Vụ Chữa bệnh và Vụ Vệ sinh phòng dịch. Năm 1963 thành lập các trạm vệ sinh phòng dịch ở các xã, phường. Đội phòng chống sốt rét đã ra đời vào năm 1957 ở các quận, huyện. Y học gắn liền với cuộc kháng chiến, hoạt động của ngành hướng về nơi sinh sống của 90% dân số trong vùng dịch, Bộ y tế thành lập ban chống dịch có sự hỗ trợ của viện Pasteur, động viên nhân dân tham gia vào các phong trào vệ sinh phòng bệnh, sử dụng nhiều hình thức thích hợp để tuyên truyền cho nhân dân những kiến thức trong giữ gìn sức khoẻ. Các viện vi trùng học tiếp tục sản xuất vaccin phòng bệnh tả, đậu mùa, thương hàn, dại... đảm bảo tiêm chủng cho toàn dân các vùng tự do. Trong 10 năm, 1954 - 1964 ngành y tế đã tập trung xây dựng và phát triển y tế ở nông thôn để giải quyết vấn đề phân, nước, rác. Nhiều loại hố xí, giếng nước, nhà tắm được xây dựng tại mỗi hộ gia đình, loại hố xí hai ngăn ủ phân tại chỗ cũng được chấp nhận, giải quyết nhiều vụ dịch.

Năm 1961 nước ta lần đầu tiên sản xuất được váccin Sa bin phòng bệnh bại hệt, BCG. Thời kỳ này được gọi là nền móng có sự phát triển của y học dự phòng, vệ sinh phòng bệnh đã có điều kiện phát triển tương đối toàn diện.

Trong giai đoạn này ngành ngoại khoa phát triển mạnh phục vụ cho chiến đấu. Các phòng bào chế vẫn tiếp tục sản xuất thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ và các loại thuốc tê góp phần đáng kể vào việc xử lý vết thương chiến tranh. Năm 1950 lần đầu tiên những lọ Penixilin được sản xuất từ phòng bào chế của Trường Đại học Y khoa Việt Bắc đã góp phần phục vụ cho cuộc kháng chiến.

Y học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Phương châm hoạt động hiện nay là đa dạng hoá các hoạt động của ngành, xã hội hoá công tác y tế nên ngành y tế cũng đã đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân với số lượng và chất lượng ngày càng tăng. Hệ thống y tế cả nhà nước và tư nhân đều phát triển mạnh. Thành tựu có ý nghĩa nhất là xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp cả nước từ trung ương đến các xã, không còn xã trắng về y tế Phương pháp quản lý khám chữa bệnh Nhà nước cũng được thay đổi bằng cách thu một phần viện phí, xây đựng hệ thống bảo hiểm y tế, cho phép mở rộng bệnh viện tư, phòng khám tư, hiệu thuốc tư. Chính sách chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo cũng được quan tâm.

Ngành y tế dự phòng ngày càng phát triển. Ngày 15/5/2003 Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS đã ra đời trên cơ sở sát nhập Văn phòng Thường trực phòng chống HIV/AIDS vào Cục Y tế dự phòng. Hiện nay toàn quốc có 64 trung tâm y tế dự phòng, 31 trung tâm phòng chống sốt rét, 13 trung tâm sức khoẻ lao động và môi trường, 20 trung tâm phòng chống bệnh xã hội và 7 trung tâm phòng chống dịch quốc tế. Tính đến năm 2000 trong cả nước đã có 14 viện thuộc hệ y tế dự phòng, trong đó có 2 viện vệ sinh dịch tễ, 2 viện Pasteur, 2 viện và một phân viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, Viện Y học Lao động và Vệ sinh trường, Viện Dinh dưỡng, Viện Vệ sinh y tế công cộng, Viện Vaccin, Trung tâm Kiểm định vaccin và sinh phẩm y học, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất vaccin Sabin và 1 Công ty vaccin.

Công tác xã hội hoá y tế hệ thống y học dự phòng đã phát triển đến tận thôn bản: sáu bệnh truyền nhiễm trước đây đứng đầu danh sách các bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất; nhờ công tác tiêm chủng rộng rãi đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được uốn ván sơ sinh, bạch hầu, ho gà. Từ việc tiêm phòng 6 loại vaccin do ta tự sản xuất viêm gan siêu vi trùng và viêm não Nhật Bản, các chương trình phòng chống bệnh Sốt rét, Lao, Bướu cổ do thiếu I-ốt, nhiễm HIV/AIDS, thanh toán bệnh Phong đạt được những kết quả đáng kể.

Công tác khám chữa bệnh phát triển không ngừng. Tính đến nay cả nước đã có 876 bệnh viện, 75 khu điều dưỡng và phục hồi chức năng, trên 1.000 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh khu vực, số giương bệnh/100.000 dân không ngừng tăng lên. Hệ thống trang thiết bị trong bệnh viện ngày càng hiện đại như máy cộng hưởng từ, máy CT Scan máy chụp mạch máu, máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy coban... Các công nghệ mũi nhọn của y học thế giới cũng được áp dụng vào Việt Nam như ghép tạng, mổ nội soi, mổ tim mạch, mổ tách trẻ song sinh, thụ tinh nhân tạo... các nhà khoa học Việt Nam đã được nhận giải thưởng y học thế giới như phương pháp cắt gan khô của giáo sư Tôn Thất Tùng, giải thưởng Kovalexpkaia cho tập thể nữ bệnh viện Phụ Sản Từ Dù, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương...

Các tấm gương tiêu biểu ngành y tế Việt Nam

1. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909 - 1968): đã có công rất lớn trong việc vạch ra phương hướng của nền y tế nhân dân, xây dựng đội ngũ y tế cách mạng, góp phần đặc biệt vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nổi bật là công tác chữa và phòng bệnh lao. Từ 1954 ông nhận nhiệm vụ Trưởng ban Y tế của Đảng, rồi sau đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông mất tại chiến trường miền Nam ngày 7 - 11 - 1968.Giữa lúc còn đang ấp ủ bao nhiều hoài bão lớn đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y tế nhân dân thì đau xót biết bao ngày 7/11/1968 BS Phạm Ngọc Thạch đã hy sinh.

2. Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910 - 1967): đã có nhiều cống hiến lớn chẳng những riêng cho nền y học Việt Nam mà cả cho nền y học chung của thế giới. Ông phát hiện được những loại muỗi mới như Anopheles tonkinensis, xác định được chu kỳ ngược chiều của giun lươn, phân lập được loại Penicillium có tác dụng kháng sinh cao.

3. Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 - 1982): với các nghiên cứu khoa học đã đưa đến phương pháp phẫu thuật cắt gan mà nhiều nhà phẫu thuật trên thế giới thừa nhận và áp dụng. Ngoài ra giáo sư cũng đã nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc hóa học Dioxin đến sức khỏe con người và tác hại đến thế hệ sau.

4. Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm (1942 - 1970): đại diện cho những con người có tinh thần cách mạng, tinh thần kháng chiến chống Mỹ, vượt qua mọi khó khăn để làm tròn nhiệm vụ. Chị làm công việc của người phụ nữ trong chiến tranh là phụ trách một bệnh viện huyện phục vụ cho việc chống chiến tranh.

5. Giáo sư Hồ Đắc Di (1900 -1984): sinh nǎm1900, sang Pháp du học (1918-1932), đỗ bác sĩ nội trú. Ở đây Hồ Đắc Di làm phẫu thuật một thời gian ở bệnh viện Tenon, rồi về nước. … Trong luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa làm tại Paris, Giáo sư Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày-tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày- tá tràng gây ra, thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó, được nhiều sách giáo khoa, nhiều công tình nhắc đến và thừa nhận giá trị trong suốt 30-40 nǎm. Ông là nhà phẫu thuật đầu tiên, xứng đáng được hội đồng giáo sư (toàn người Pháp) đánh giá cao và được bầu chọn là giáo sư người Việt đầu tiên.

6. Giáo sư Đặng Văn Chung (1913 - 1999): sinh năm 1913 tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1933, ông thi đỗ vào Trường đại học Y Dược khoa Đông Dương; năm 1937, thi đỗ trong kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), ông đã lên chiến khu cùng GS. Hồ Đắc Di xây dựng Trường Y giữa núi rừng Việt Bắc. Ngày 24/2/1999 GS. Đặng Văn Chung đã qua đời vì bệnh nan y, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho gia đình, các thế hệ học trò và người bệnh. Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 392 KT/CTN truy tặng GS. Đặng Văn Chung Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Cụm công trình nghiên cứu nội khoa”.

Nguồn https://yhoctonghop.vn/lich-su-y-khoa

 

PCTU pctu Hội nghị khoa học