Bài viết được Uptodate cập nhật vào tháng 12/2018
Rosacea (bệnh hồng ban) là một bệnh da liễu xảy ra ở người trưởng thành thuộc mọi chủng tộc nhưng thường được phát hiện chủ yếu ở những người có làn da sáng màu. Bệnh này hiếm khi xảy ra ở trẻ em. Cơ chế bệnh sinh của bệnh hồng ban vẫn chưa được hiểu rõ. Những yếu tố như những bất thường trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh, các phản ứng viêm với vi sinh vật trên da, tiếp xúc với tia cực tím và tăng hoạt động phản ứng của các mạch máu được xác định là những yếu tố nguy cơ góp phần gây ra bệnh. Những dấu hiệu của bệnh như ban đỏ kéo dài vùng giữa mặt, da sần, mụn mủ, đỏ bừng, cảm giác nóng rát hoặc như kim chích, phù da và da khô là những biểu hiện tiềm năng của bệnh hồng ban. Những biểu hiện bất thường đôi khi còn xảy ra ở vùng mắt. Ở hầu hết các bệnh nhân, đánh giá lâm sàng là đủ để chẩn đoán bệnh hồng ban và loại trừ các rối loạn khác có thể giống với bệnh hồng ban. Sinh thiết da hiếm khi được chỉ định nhưng có thể hữu ích trong trường hợp một bệnh khác nghi ngờ có thể dựa vào kết quả mô bệnh học đặc hiệu để hỗ trợ chẩn đoán bệnh hồng ban hạt. Các tổn thương ở vùng mắt có thể xuất hiện độc lập hoặc liên quan đến các biểu hiện ở da của bệnh hồng ban. Bệnh nhân có thể biểu hiện các đặc điểm như giãn mạch ở viền mi mắt, viêm kết mạc và kích ứng mắt. Bệnh nhân có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh hồng ban mắt nên được chuyển đến bác sỹ nhãn khoa để đánh giá thêm.
Từ trước đến nay, những người mắc bệnh hồng ban thường được khuyên rằng không nên sử dụng cà phê và những đồ uống nóng khác vì điều đó có thể làm trầm trọng thêm bệnh của họ. Tuy nhiên, một nghiên cứu trong Nurses’ Health Study II phân tích dữ liệu từ hơn 80.000 phụ nữ cho thấy, so với những phụ nữ sử dụng cà phê ít nhất thì những phụ nữ có mức tiêu thụ cà phê cao nhất lại ít có xu hướng mắc bệnh hồng ban hơn. Thêm vào đó, việc tăng lượng caffein tỷ lệ nghịch với nguy cơ mắc bệnh hồng ban. Không có mối liên quan nào giữa nguy cơ mắc bệnh hồng ban và việc uống cà phê không chứa caffein. Những phát hiện này cho thấy rằng việc hạn chế uống cà phê là không cần thiết đối với bệnh nhân mắc bệnh hồng ban.