Vừa qua, một trường hợp tử vong vì bệnh dại ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đã khiến cộng đồng không khỏi bàng hoàng. Nguyên nhân chính là sự thiếu hiểu biết và chủ quan trong việc phòng chống bệnh căn bệnh nguy hiểm này. Qua đó, TS. Nguyễn Xuân Hương – Trưởng Bộ môn Y tế công cộng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế (CRIC), Trường ĐH Phan Châu Trinh, đã chia sẻ những thông tin quan trọng về cách phòng ngừa và xử lý bệnh dại kịp thời.
Bệnh dại là một bệnh rất nguy hiểm do vi-rút dại (tên khoa học là Rabies lyssavirus) gây ra, có thể dẫn đến tử vong nếu không được tiêm phòng kịp thời. Bệnh lây truyền qua vết cắn hoặc liếm của động vật nhiễm bệnh như chó, mèo, dơi, cáo, chồn và các động vật hoang dã khác. Virus này xâm nhập qua vết thương, tấn công hệ thần kinh và gây viêm não. Khi các triệu chứng của bệnh dại xuất hiện, bệnh sẽ tiến triển nhanh và gây tử vong với tỷ lệ tử vong gần như 100% và không có điều trị. Vì vậy, việc tiêm phòng vắc-xin dại ngay sau khi bị động vật nghi nhiễm dại vô cùng quan trọng để tránh tử vong.
Hình ảnh minh họa
Biện pháp phòng chống bệnh dại trong cộng đồng:
1. Tiêm phòng vắc-xin dại cho tất cả động vật nuôi: Đảm bảo chó, mèo và các động vật nuôi khác được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch và tái tiêm khi cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ thú y. Không thả rông chó, mèo.
2. Tránh tiếp xúc với động vật lạ hoặc có hành vi bất thường hoặc có dấu hiệu bệnh (như hành vi kỳ lạ, tấn công người, mất kiểm soát). Không tiếp xúc với động vật hoang dã
3. Tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị cắn: Nếu bị động vật nghi nhiễm bệnh cắn, hãy lập tức sơ cứu; rồi đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại theo tình huống. Việc tiêm vắc-xin sớm là biện pháp duy nhất giúp ngăn ngừa bệnh dại.
Cách sơ cứu khi bị cắn bởi động vật nghi dại:
1. Rửa vết thương ngay lập tức: Dùng xà phòng và nước sạch để rửa vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong ít nhất 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể dùng nước sạch để rửa. Đây là bước sơ cứu quan trọng nhất để làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh dại.
2. Xử lý vết thương: Nếu có thể, rửa vết thương với cồn 70% hoặc povidone-iodine để tiêu diệt vi khuẩn. Tránh làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
3. Đi khám bác sĩ ngay lập tức: Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm vắc-xin phòng dại mới giúp ngăn ngừa bệnh.
4. Không tự chữa trị: Tuyệt đối không tự ý chữa trị hoặc nhờ thầy lang khám chữa. Điều này có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hãy chủ động phòng ngừa bệnh dại ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Đừng để sự chủ quan hay thiếu hiểu biết khiến bạn và những người thân yêu rơi vào nguy hiểm nhé!