ThS.BS Lê Thị Minh Tâm - Giảng viên Bộ môn dinh dưỡng của Đại học Phan Châu Trinh
Cà phê không chỉ là một thói quen buổi sáng giúp tinh thần tỉnh táo, mà còn mang những lợi ích bất ngờ đối với sức khỏe đường ruột. Liệu bạn có biết rằng mỗi tách cà phê không chỉ làm bạn tỉnh táo hơn, mà còn tăng cường hệ vi sinh vật trong ruột và góp phần cải thiện sức khỏe chuyển hóa? Một nghiên cứu mới với hơn 22.000 người tham gia ở 5 nhóm đối tượng đã chỉ ra những tác động của cà phê đối với hệ vi sinh đường ruột, nghiên cứu sử dụng phương pháp giải trình tự 16S RNA, làm nổi bật vai trò bất ngờ của cà phê trong việc định hình sự đa dạng vi sinh vật và sản xuất chất chuyển hóa. Những phát hiện này mở ra cánh cửa cho những chiến lược dinh dưỡng cá nhân hóa trong tương lai.
Hình ảnh minh họa
Tác động tích cực của cà phê lên đường ruột:
Tăng cường vi sinh vật có lợi
Uống cà phê có thể làm gia tăng Lawsonibacter asaccharolyticus - một loài vi khuẩn giúp cải thiện sức khỏe chuyển hóa.
Lợi ích từ Polyphenol và Axit Quinic
Axit chlorogenic - một polyphenol có trong cà phê, được xem là nhân tố chính đem lại lợi ích cho hệ vi sinh đường ruột và giúp thúc đẩy sự phát triển của L. asaccharolyticus. Sau khi chuyển hóa, axit chlorogenic tạo ra axit caffeic và axit quinic. Các chất này giúp kích thích sự phát triển của những loài vi sinh vật có lợi như Bifidobacterium animalis, Bifidobacterium lactis và Escherichia coli.
Những người uống cà phê có nồng độ axit quinic cao hơn trong máu thường có mức L. asaccharolyticus cao hơn, chứng tỏ axit chlorogenic đóng vai trò quan trọng trong việc giúp loài vi sinh này phát triển.
Ngoài ra, Polyphenol và Axit Quinic còn có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, góp phần bảo vệ đường ruột khỏi các tác nhân gây hại và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Mức tiêu thụ:
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống từ 1-3 tách cà phê mỗi ngày (20-600g/ngày) hoặc hơn 3 tách (>600g/ngày) đều mang lại tác động tương tự đến hệ vi sinh đường ruột.
Lưu ý:
Từ góc độ tiêu hóa, cà phê kích thích nhu động ruột và có thể kích thích việc đi tiêu. Do đó, những người bị tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích hoặc có các vấn đề liên quan nhu động ruột nên hạn chế hoặc tránh uống cà phê.
Tài liệu tham khảo:
1. Manghi, P., Bhosle, A., Wang, K. et al. Coffee consumption is associated with intestinal Lawsonibacter asaccharolyticus abundance and prevalence across multiple cohorts. Nat Microbiol 9, 3120–3134 (2024). https://doi.org/10.1038/s41564-024-01858-9.
2. Tajik, N., Tajik, M., Mack, I. et al. The potential effects of chlorogenic acid, the main phenolic components in coffee, on health: a comprehensive review of the literature. Eur J Nutr 56, 2215–2244 (2017). https://doi.org/10.1007/s00394-017-1379-1.