Một trong 4 trụ cột chiến lược đào tạo của trường Đại học Y khoa Phan Châu Trinh là gắn liền Nghiên cứu khoa học với thực tiễn lâm sàng. Các em sinh viên không chỉ được cung cấp kiến thức y học cơ sở và kỹ năng lâm sàng, mà còn được tiếp cận với nghiên cứu khoa học ngay từ những năm đầu tiên. Trường Đại học Phan Châu Trinh đã thành lập trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học phân tử trong y sinh - CRAGB (Centre of Research & Application of Gene technology in Bio-medicine) để tiến hành các nghiên cứu ứng dụng trong lâm sàng, đồng thời cũng là nơi thực hành cho sinh viên, tiếp cận với nghiên cứu khoa học.
Năm nay, dịch sốt xuất huyết đột nhiên gia tăng và diễn biến phức tạp tại toàn bộ các tỉnh, thành phố miền Trung. Theo thống kê của viện Pasteur Nha Trang, đến nay, 11 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã có gần 17.200 ca mắc SXH, trong đó thành phố Đà Nẵng có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực với khoảng 3.600 ca. Một số huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Nam như: Phú Ninh, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, bệnh sốt xuất cũng gia tăng nhanh chóng. Hiện, cả tỉnh đã có gần 3.000 ca mắc SXH. Bệnh tăng cao trong 3 tháng qua khiến nhiều cơ sở y tế bị quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép đôi, ghép ba. Trong khi đó, có rất ít nghiên cứu dịch tễ học sốt xuất huyết tại khu vực miền Trung. Xuất phát từ thực tế trên, trong tháng 11-12/2018, trung tâm CRAGB của trường Đại học Phan Châu Trinh đã triển khai nghiên cứu đầu tiên với đề tài “Khảo sát đặc điểm lâm sàng và mối liên quan với týp vi rút Dengue ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nhập bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Quảng Nam trong đợt dịch năm 2018”.
Ngày 27/12/2018, Ban giám hiệu, phòng Đào tạo trường Đại học Y khoa Phan Châu Trinh đã có buổi làm việc và thảo luận khoa học với ban lãnh đạo bệnh viện và Hội đồng Y đức tại Hội trường của bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam. Đây là lần đầu tiên chúng tôi ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong vi sinh lâm sàng tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam để phân tích mối liên quan giữa bệnh cảnh lâm sàng và tuýp huyết thanh của virus Dengue trên bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Kết quả thu được của đề tài có ý nghĩa hỗ trợ các bác sỹ lâm sàng trong chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết và đóng góp vào các nghiên cứu dịch tễ học sốt xuất huyết, giúp ích rất lớn cho việc dự phòng dịch bệnh sốt xuất huyết và phát triển liệu trình cá thể hóa điều trị. Những nghiên cứu thực tiễn như thế này sẽ rất có ý nghĩa cho bệnh nhân và cộng đồng. Đây cũng là bước tiến mới trong việc thúc đẩy mối quan hệ viện – trường trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Ban Giám hiệu trường Đại học Phan Châu Trinh rất vui mừng và hy vọng đề tài thành công tốt đẹp và sẽ có những đề tài nghiên cứu khoa học mới trong tương lai.