Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

Liên hệ tuyển sinh

Gửi email cho chúng tôi:
Gọi hoặc Zalo cho chúng tôi:
Gửi hồ sơ về:
09 Nguyễn Gia Thiều, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Theo dõi chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội để không bỏ lỡ thông tin quan trọng về đăng ký, học bổng, cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng trong các hoạt động của chúng tôi.

Chiếc khẩu trang có thực sự ngăn ngừa Coronavirus?

Chiếc khẩu trang có thực sự ngăn ngừa Coronavirus?

Mấy ngày nay vì có dịch viêm phổi Vũ Hán nên mọi người tranh nhau mua khẩu trang y tế. Các công ty ra sức quảng bá hiệu quả của khẩu trang 3 lớp rồi 5 lớp, rồi khẩu trang 3M, N95 không thấm nước, than hoạt tính, sát trùng… Các vị bác sĩ thì lên mạng hướng dẫn cách tìm khẩu trang chất lượng, cách đeo khẩu trang đúng cách. Các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, các nước lân cận và cả Việt Nam của mình. Ngoài ra còn các tin đồn là Việt Nam chúng ta hiện nay đang có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người mắc bệnh mà nhà nước giấu thông tin. Thêm vào đó lan truyền trên mạng video người đang đi lại ngã gục trên đường và được cho là ở Vũ Hán và chết gục là do viêm phổi vì tác nhân 2019-nCoV (tên chính thức tác nhân gây bệnh này) mà thực sự là ông ta say rượu. Rồi có nhiều trường Đại học cho sinh viên nghỉ thêm một tuần sau tết để xem dịch tiến triển như thế nào, một số nơi đòi cho học sinh nghỉ học…

Do lo sợ mình sẽ là nạn nhân nên mọi người chen nhau mua khẩu trang y tế mà trước đây giá rất rẻ chỉ khoàng vài ngàn, nay vì thiên hạ mua nhiều quá nên giá nhiều khi lên đến 30-40 ngàn, đó là không kể khẩu trang y tế ngoại nhập thì càng cao hơn nữa. Thật ra đó là tự nhiên thôi, cung vượt cầu thì giá phải lên, phải có đầu cơ, phải có làm giàu. Tuy nhiên có phải chiếc khẩu trang là trang bị hữu hiệu để giúp người có nó không nhiễm và mắc bệnh? Nhiều người tưởng là vậy nhưng thật ra là không. Tại sao vậy? Muốn biết tại sao thì chúng ta phải biết tác nhân 2019-nCoV lây lan từ người sang người theo cách nào.

Cho đến hiện tại chưa có bằng chứng tác nhân nCoV lây lan từ người sang người qua các hạt nhỏ thải ra từ đường hô hấp người nhiễm bay vào không khí để nhiễm qua người khác như cúm, hay lan truyền qua không khí như lao. Tác nhân nCoV lây lan qua giọt bắn từ ho, nhảy mũi sang người đứng gần, do vậy nếu chúng ta có một khẩu trang che mũi và miệng là tránh được nguy cơ này. Khẩu trang nào cũng được, y tế cũng được, N95 hay 3M cũng được, thậm chí khẩu trang vải nhiều lớp cũng được. Cái chính là ngăn giọt bắn của người đối diện hay đi trước ta ho, nhảy mũi, khạc nhổ bám vào. Tại sao khẩu trang nào cũng được, đó là vì khẩu trang giúp ngăn giọt bắn từ người khác vào mũi hay miệng chúng ta chứ không phải ngăn virus vì chưa có một khẩu trang nào kể cả khẩu trang y tế là ngăn được virus cả. Thế thì giọt bắn bám vào bên ngoài khẩu trang có làm cho virus bò vào bên trong nếu là khẩu trang thấm được nước không? Lại càng không thể vì virus đâu có biết bò, kể cả vi khuẩn cho dù có di động cũng không thể bò vào được mà giọt bắn sẽ khô đi và sẽ theo khẩu trang vào thùng rác rồi bị xử lý thôi. Ngược lại nếu khẩu trang mắc tiền thì người dùng thường có xu hướng dùng lại và lại càng tăng nguy cơ nhiễm bệnh vì virus bám mặt ngoài lại có cơ hội nhiễm vào mũi miệng người dùng. Ngoài ra, đeo khẩu trang còn có một ý nghĩa nhân văn vì người hơn, đó là tránh cho chúng ta ho, hắt hơi, nhảy mũi văng giọt bắn vào người khác. Tuy nhiên nếu không mang khẩu trang theo bên người mà muốn ho hay nhảy mũi thì làm sao? Tốt nhất là vào khăn giấy rồi cất lại vào túi hay giữ trong tay rồi bỏ vào thùng rác công cộng. Còn nếu không có cả khăn giấy thì nên ho hay nhảy mũi vào khuỷu tay, tránh vào bàn tay che miệng. Tại sao không vào bàn tay che miệng?

Đó là vì chúng ta tạo ra nguy cơ lây lan thứ 2 mà con đường này nhiểu người lại không để ý là con đường tiếp xúc trực tiếp. Tay bị nhiễm do ho hay hắc hơi bụm niệng sẽ dính vào các vật liệu mà người bệnh cầm nắm như nắm cửa, như tay cầu thang, như nút bấm thang máy, bắt tay thân thiết, ly chén đũa dùng hàng ngày trong nhà hay nhà hang/khách sạn…và từ đó lại lây cho người khác nữa vì họ sẽ chạm vào các nơi này…rồi vô tình đưa lên miệng qua bụm miệng, qua ăn uống…Chính vì vậy mà biện pháp rửa tay thường xuyên sau khi đi ra bên ngoài đến các nơi công cộng, bệnh viện, khách sạn, quán ăn…là rất cần thiết để tránh lây nhiễm mà chúng ta phải để ý. Rửa tay như thế nào là tốt? Miễn sao chúng ta rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch là đủ. Nếu có dung dịch rửa tay nhanh sát trùng được dùng cho các nơi công cộng thì càng tốt. Không nhất thiết phải tìm mua dung dịch rửa tay sát trùng được quảng cáo rùm beng trên mạng mà chi cho tốn kém nếu không đủ điều kiện.

Nói tóm lại đeo khẩu trang, dùng loại nào cũng được, khi đi ra ngoài nếu phải đến nơi đông người là cần thiết, nhưng tuyệt đối không dùng lại. Nếu khẩu trang bằng vải thì sau khi dùng xong phải ngâm trong dung dịch chloramine B 0.5% hay nước Javel để sát trùng trước khi giặt là có thể dùng lại. Khi ho và hắt hơi, nếu dùng khẩu trang là tốt, còn không có khẩu trang thì ho vào khăn giấy sạch rồi cho ngay vào thùng rác hay cố giữ trong tay hay túi nylon rồi mang cho vào thùng rác, nếu không có khăn giấy thì tránh lấy bản tay che miệng rồi ho, hắt hơi mà phải ho và hắt hơi vào khủy tay rồi sau đó đi rửa tay ngay. Phải rửa tay thường xuyên ngay sau khi về nhà hay công sở, cũng không cần phải có dung dịch sát trùng mà chỉ cần xà phòng và rửa tay kỹ là được. Lưu ý là khẩu trang chỉ là một trong các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa giọt bắn, còn biện pháp rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi, dùng các dụng cụ ăn uống sạch sẽ cũng là giải pháp rất cần thiết và cần phải áp dụng.

Chúng ta thường bị tâm lý đám đông nên thấy thiên hạ làm thì mình ùn ùn làm theo mà chưa hiểu cái mình đi theo đó là có thật sự cần thiết hay không. Hiểu biết càng ít thì tâm lý đám đông càng nhiều. Tôi viết bài này để mong muốn giúp các bạn khỏi hoang mang về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

 

TS.BS. Phạm Hùng Vân - Hiệu trưởng trường Đại hoc Phan Châu Trinh

phv