Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

Liên hệ tuyển sinh

Gửi email cho chúng tôi:
Gọi hoặc Zalo cho chúng tôi:
Gửi hồ sơ về:
09 Nguyễn Gia Thiều, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Theo dõi chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội để không bỏ lỡ thông tin quan trọng về đăng ký, học bổng, cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng trong các hoạt động của chúng tôi.

Tại sao lại gọi BA.2 là Omicron tàng hình?

Omicron có phải là dấu chấm hết của dịch COVID-19? Biến thể phụ Omicron BA.2 là gì? Tại sao lại gọi BA.2 là Omicron tàng hình?

Cùng theo dõi bài viết của TS.BS. Phạm Hùng Vân - Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh:

Từ khi Omicron xuất hiện, đã có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người tin rằng Omicron sẽ giúp kết thúc dịch COVID-19. Điều này có đúng không?

Nói đúng ra thì các biến thể của SARS-COV-2 hoàn toàn không khác nhau về độc lực hay tính gây bệnh mà chỉ khác nhau về tốc độ lây lan. Biến thể nào lây lan nhanh thì sẽ thay thế các biến thể trước đó lây lan chậm hơn. Biến thể Delta xuất phát từ Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến thể khác như Alpha, Beta và Gamma nên chỉ cần một thời gian ngắn sau khi xuất hiện, Delta đã thay thế hoàn toàn các biến thể khác. Rồi từ tháng 11 sau khi xuất hiện biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh gấp 4 lần biến thể Delta thì đúng theo qui luật tiến hóa tự nhiên, Omicron hiện nay đã dần dần thay thế Delta. Các ghi nhận đã cho thấy Omicron ít gây bệnh nặng, lý do không phải là ở chỗ Omicron có độc lực thấp hơn nhờ xâm nhập chủ yếu vào niêm mạc mũi hầu, mà chính là nhờ hiện nay gần như trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có một tỷ lệ khá lớn dân số chích ngừa vaccine. Chính vaccine đã giúp cơ thể con người có được miễn dịch đặc hiệu và nhờ có miễn dịch đặc hiệu mà cơ thể những người có nguy cơ cao như lớn tuổi, béo phì, tim mạch, tiểu đường, hô hấp mạn tính, thận mạn tính không phải huy động các đại thực bào gây ra cơn bão cytokine làm cho bệnh COVID-19 trở nặng và trầm trọng dễ dẫn đến tử vong. 

Khi chế tạo vaccine ngừa COVID-19, người ta hy vọng rằng nhờ có vaccine mà người được chủng ngừa tránh được nguy cơ nhiễm bệnh và sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng nếu trên 75% số người trong cộng đồng ấy được chích vaccine, giúp bảo vệ không cho virus tiếp cận được 25% còn lại chưa hay không chích vaccine. Tuy nhiên hiện nay, khái niệm miễn dịch cộng đồng nhờ chích vaccine ngừa COVID-19 là hoàn toàn phá sản vì câu trả lời đã rất rõ ràng: Vaccine ngừa COVID-19 không giúp người được chích vaccine khỏi bị nhiễm virus mà chỉ giúp giảm nguy cơ bệnh COVID-19 trở nặng một khi bị nhiễm SARS-COV-2. 

Vậy thì người bị mắc COVID-19 có được miễn dịch giúp không bị mắc lại hay không? Qua các ghi nhận cho thấy những người nhiễm tự nhiên này ít có nguy cơ nhiễm COVID-19 lại, lý do chính là nhiễm tự nhiên làm cho cơ thể có được những kháng thể đặc hiệu SARS-COV-2 ở niêm mạc hô hấp, nhờ vậy mà ngăn cản không cho virus có thể tiếp cận để xâm nhập vào tế bào niêm mạc hô hấp gây tái nhiễm. Trên cơ sở lý luận này mà nhiều người đã hy vọng rằng biến thể Omicron với tốc độ lây lan nhanh sẽ làm cho cộng đồng dù đã chích vaccine vẫn có tỷ lệ cao bị nhiễm virus mà không có bệnh nặng, và như vậy sẽ giúp tạo được miễn dịch bảo vệ cho cộng đồng không bị tái nhiễm SARS-COV-2 nữa. Có thể nói là chính vaccine dù không tạo được được miễn dịch cộng đồng nhưng lại tạo điều kiện để có miễn dịch cộng đồng nhờ sự xuất hiện biến thể Omicron. Đây chính là cơ sở để nhiều người tin rằng Omicron sẽ giúp kết thúc dịch COVID-19. 

Tuy nhiên cần lưu ý là độc lực của Omicron cũng không khác gì các biến thể khác, do vậy mà ở những đối tượng nguy cơ cao, COVID-19 vẫn có thể dẫn đến bệnh nặng, đặc biệt trên những người chưa chích vaccine hay không chịu chích vaccine.

Có phải biến thế BA.2 - virus được mệnh danh là chủng Omicron "tàng hình" - đã tồn tại trên địa bàn TPHCM? 

Biến thể Omicron kể từ khi xuất hiện và lan tràn đến nay đã tự biến đổi thành 3 biến thể phụ, còn gọi là dưới biến thể. Đó là BA.1, Omicron nguyên thủy, có đến hơn 34 đột biến trên gen S. Biến thể này có tốc độ lây lan gấp 8 lần chủng SARS-COV-2 nguyên thủy và gấp 4 lần biến thể Delta. Sau đó lại xuất hiện biến thể phụ BA.2, hơi khác biến thể BA.1 là không còn một đột biến mất đoạn trên gen S nhưng lại thêm một đột biến mất đoạn khác, ngoài ra cũng có thêm hay bớt một số đột biến điểm. Có lẽ chính sự thay đổi này mà biến thể phụ BA.2 có tốc độ lây lan nhanh hơn BA.1 gấp 1.8 lần, và dĩ nhiên theo qui luật tiến hóa tự nhiên thì biến thể phụ BA.2 hiện nay đang chiếm đa số. Ngoài ra Omicron còn có thêm một biến thể phụ nữa là BA.3 cũng có một số đột biến trên gen S khác với BA.1 nhưng gần giống BA.2. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo thông báo từ Sở Y Tế, trên 67 mẫu được giải trình tự thì BA.2 chiếm ưu thế với gần 65%. Đúng là như vậy, trong một nghiên cứu  mà chúng tôi đang thực hiện theo yêu cầu của Hội Y Học TP. Hồ Chí Minh với nội dung sử dụng công nghệ real-time PCR có kiểm tra lại bằng giải trình tự Sanger để phát hiện các biến chủng Omicron, kết quả cũng cho thấy BA.2 chiếm 79.8%, BA.1 chiếm 15.6%; ngoài ra cũng có 2.2% là BA.3 và 2.4% là biến thể Delta. Tuy nhiên tôi cho là có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi thì BA.2 sẽ thay thế dần BA.1 và các biến thể khác để chiếm đa số tuyệt đối. Về tên gọi, BA.2 còn được gọi là biến thể Omicron tàng hình là vì biến thể này trốn sự phát hiện của test nhanh kháng nguyên. Lý do chính là vì Omicron có nhiều đột biến trên gen S và gen N mà test nhanh thì chủ yếu là phát hiện kháng nguyên S hay N của virus nên test nhanh bị kém nhạy. Thực tế cũng cho thấy rất nhiều trường hợp thử test nhanh âm tính trong những ngày đầu nhiễm bệnh, nhưng sau khi triệu chứng xuất hiện rõ thì test nhanh vẫn phát hiện được. Các kết quả real-time PCR mà chúng tôi sử dụng phát hiện virus trong quệt mũi hầu cho thấy tải lượng virus vẫn rất cao, chứng tỏ quan niệm cho là Omicron không nhân bản nhiều ở mũi hầu là không đúng. Trái lại, xét về cơ chế xâm nhập của Omicron thì các nhà khoa học đã chứng minh Omicron dễ nhân bản ở niêm mạc mũi hầu hơn là niêm mạc hô hấp dưới.  

Triệu chứng của người nhiễm Omicron có khác gì so với nhiễm Delta?

Thật sự thì cũng khó có thể nói là Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta vì hai thời điểm mắc bệnh ở cộng đồng có khác nhau. Người mắc biến thể Delta trước đây là ở thời điểm chúng ta chưa có thuốc chủng ngừa, do vậy mà có một tỷ lệ cao những người có yếu tố nguy cơ bị diễn tiến nặng. Còn nhiễm Omicron ở giai đoạn hiện nay là đa số đã được chủng ngừa nên tỷ lệ người bị diễn tiến nặng rất thấp. Nhìn chung, nhiễm Omicron hay Delta ở những người không có nguy cơ và đã được chích vaccine thường có biểu hiện khá nhẹ nhàng, chủ yếu là ớn lạnh, mệt mỏi- sốt nhẹ, đau rát cổ họng và tồn tại trong vài ngày rồi khỏi. Triệu chứng mất mùi và mất vị giác thì ở người nhiễm Omicron thường không có so với người nhiễm Delta. Nói chung thì các triệu chứng không khác gì bị nhiễm siêu vi. Tuy nhiên cũng lưu ý là: để phát hiện được những người có thể có nguy cơ trở nặng thì giải pháp cũng là bằng cách theo dõi dấu hiệu giảm SpO2. Nếu chỉ số vẫn trên 95% thì nên yêu cầu họ đi bộ trong thời gian 5 đến 10 phút để phát hiện được những người giảm SpO2 tiềm ẩn (lúc này SpO2 sẽ giảm dưới 95%) và điều trị kịp thời. Riêng thuốc kháng virus dạng uống hiện nay như Molnupiravir hay Favipiravir thì chỉ nên sử dụng trong 5 ngày đầu và nên chỉ định cho những người có dấu hiệu trở nặng như ho nhiều, mệt nhiều, không giảm sốt và SpO2 giảm dưới 95%. 

Với việc SARS-CoV-2 biến đổi liên tục như vậy, việc chích ngừa có còn hiệu quả không, đặc biệt với Omicron?

Chủng ngừa hoàn toàn có hiệu quả cho dù SARS-COV-2 biến đổi liên tục. Thuốc chủng ngừa dù được nghiên cứu chế tạo không theo kịp với sự biến đổi và xuất hiện các biến thể mới nhưng vẫn có hiệu quả, đặc biệt hiệu quả trong làm giảm nguy cơ người COVID-19 diễn tiến nặng phải nhập viện hay tử vong. Lý do là dù có bị biến đổi nhưng các kháng nguyên có liên quan đến kích thích miễn dịch bảo vệ vẫn không bị thay đổi quá nhiều để làm mất đi hiệu quả miễn dịch bảo vệ của cơ thể người được chích vaccine. Chính nhờ vậy mà vaccine dù không thay đổi kịp thời nhưng vẫn hiệu quả bảo vệ người bị nhiễm Omicron chứ không phải là mất đi tác dụng. Tuy nhiên có lẽ cũng sẽ như vaccine ngừa cúm, vaccine ngừa COVID-19 cũng sẽ phải thay đổi hàng năm cho kịp thời để duy trì được miễn dịch bảo vệ ở cơ thể người chích vaccine. Nếu không làm điều này thì có nguy cơ một ngày nào đó trong tương lai, vaccine sẽ không còn hiệu quả nữa và nhân loại sẽ phải đối phó với một đại dịch COVID mới.

Có người quan niệm rằng, nhiễm chủng Omicron coi như được chích thêm 1 mũi, sẽ có công dụng củng cố lượng kháng thể, tạo miễn dịch cộng đồng bền vững. Quan niệm như vậy có đúng không?

Trong thời gian qua, theo yêu cầu của Liên Chi Hội Hô Hấp TP. Hồ Chí Minh và Liên Chi Hội Vi Sinh Lâm Sàng TP. HCM, chúng tôi có làm nghiên cứu tìm hiểu đáp ứng miễn dịch kháng thể trung hòa trên các người tiêm vaccine và những người đã nhiễm COVID-19. Kết quả thu nhận được cho thấy người nhiễm COVID-19 mà chưa tiêm vaccine thì có đáp ứng kháng thể trung hòa gần giống như người tiêm vaccine mũi 1, đạt từ 30% đến 50% khả năng trung hòa. Nhưng với những người đã tiêm vaccine rồi bị nhiễm COVID hay những người nhiễm COVID rồi được tiêm vaccine thì kháng thể trung hòa đạt lên rất cao, có thể đến trên 90%. Do vậy chúng tôi cũng cho là nhiễm COVID giống như tiêm vaccine mũi 1, rất cần phải tiêm vaccine; còn đã tiêm vaccine mũi một rồi mà bị nhiễm COVID thì cũng giống như được tiêm mũi 2; cả hai trường hợp đều làm tăng cao kháng thể trung hòa. Dù kết quả nghiên cứu có cho thấy như vậy nhưng chúng tôi cũng cho là không nên cố ý nhiễm COVID tự nhiên để tạo được miễn dịch bền vững vì thật ra chúng ta cũng khó đoán chắc chắn mình có bị nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hay không, đó là chưa kể khi mình nhiễm thì mình có thể trở thành nguồn lây và có thể trở thành mối nguy cho những người có nguy cơ cao chung quanh chúng ta như cha mẹ, ông bà, bạn bè. Ngoài ra miễn dịch cơ thể có được cũng không vĩnh viễn vì SARS-COV-2 cũng bị biến đổi theo thời gian. Người nhiễm COVID gây ra do biến thể này vẫn có thể tái nhiễm COVID-19 gây ra do biến thể khác. Cụ thể là những người trước đây nhiễm COVID do biến thể Delta hay Alpha thì hiện nay vẫn có thể tái nhiễm biến thể Omicron, hay nhiễm Omicron BA.1 vẫn có thể tái nhiểm Omicron BA.2 hay BA.3 

Trước sau gì cũng nhiễm bệnh, vậy thì bây giờ có nên chủ động nhiễm Omicron để bệnh nhẹ thôi?

Theo tôi với tốc độ lây lan của Omicro như hiện nay và chúng ta cũng không còn ưu tiên cho các giải pháp cách ly, phong tỏa (vì thật ra thực tế đã chứng minh là không hiệu quả để ngăn chận lây lan), cho mở cửa lại các trường học, các trung tâm vui chơi sinh hoạt, các chợ và siêu thị…thì gần như ai cũng có thể bị nhiễm Omicron. Tuy nhiên nhiễm Omicron hiện nay ít dẫn đến bệnh nặng và trầm trọng nhờ đa số đã có miễn dịch đặc hiệu. Nhận định là như thế nhưng với quan niệm là cứ chủ động để nhiễm Omicron thì theo tôi là không nên. Lý do đã được trình bày ở phần trên, đó là không có gì đảm bảo chắc chắn mình sẽ không bị nặng vì lý luận y khoa không bao giờ là tuyệt đối. Hơn nữa biến mình thành người nhiễm là biến mình thành mối nguy cho những người khác cũng không nên. 

Với những người đã bị dương tính với Delta trước đây, nay tái nhiễm với Omicron thì các triệu chứng và phương pháp điều trị có khác gì không ạ?

Đã nhiễm Delta trước đây và nay tái nhiễm Omicron thì triệu chứng thường nhẹ hơn, có thể vẫn có sốt, đau họng, nhức mỏi, nhưng thường không kéo dài quá 2 ngày. Về điều trị thì không khác nhau vì nguyên tắc vẫn là chỉ cần uống thuốc hạ sốt nếu sốt cao hay đau nhức nhiều, chú ý bồi dưỡng cơ thể qua dinh dưỡng, uống thêm vitamin D. Chỉ cần uống thuốc kháng virus như molnupiravir hay favipiravir nếu có các dấu chứng cho thấy nguy cơ bệnh sẽ diễn tiến nặng, nhưng lưu ý là các thuốc nay chỉ hiệu quả trong 5 ngày đầu của bệnh. Thuốc kháng đông và corticoid cũng chỉ sử dụng khi có dấu chứng bệnh diễn tiến nặng.

Hiện nay, có vội vàng không khi một số nước sau khi bị Omicron “càn quét” đã bỏ bớt các biện pháp phòng dịch, mở cửa giao thương?

Đúng là cả thế giới đã quá mệt mỏi, tốn kém, thiệt hại kinh tế với các biện pháp truy vết, cách ly, phong tỏa trong hai năm vừa rồi. Do vậy mà hiện nay nhiều nước dù đang bị Omicron càn quét cũng đã bỏ bớt và chắc chắn trong một tương lai ngắn nữa sẽ bỏ hẳn các biện pháp phòng dịch như trước đây. Theo tôi, cả thế giới phải đến một tương lai như vậy thôi vì nhiều nước đã ghi nhận dù Omicron có hoành hành nhưng vẫn không làm cho hệ thống y tế bị quá tải như trước đây khi chưa có vaccine. Tuy nhiên, nếu quốc gia nào chưa có độ phủ vaccine cao thì vẫn phải duy trì các biện pháp phòng dịch như cũ để mua thời gian cho dân chúng được phủ vaccine. Các nước được phủ vaccine rồi thì hệ thống cảnh báo dịch cũng không nên buông lỏng cho dù các biện pháp phòng dịch có được bỏ đi nữa. Cảnh báo dịch thông qua ghi nhận có hay không gia tăng các cas phải nhập viện và tử vong.

Bệnh đặc hữu là bệnh như thế nào? Ở Việt Nam có những bệnh đặc hữu nào thường gặp?

Bệnh đặc hữu hay là bệnh lưu hành đều được dịch từ chữ endemic, diễn tả một bệnh chỉ lưu hành và lây lan có giới hạn chứ không bùng phát thành thành dịch. Với định nghĩa này thì Việt Nam chúng ta có nhiều bệnh đặc hữu như sốt rét, thương hàn, tay chân miệng, cúm mùa…. Với tình hình hiện nay khi mà COVID-19 chủ yếu là bệnh nhẹ thì có thể xem COVID-19 là một bệnh đặc hữu như nhiều bệnh khác là cảm cúm thường (common cold), cúm mùa…Nếu xem COVID-19 là bệnh đặc hữu thì chúng ta sẽ không cần những biện pháp chống dịch như trước đây nữa vì bệnh sẽ không thành đại dịch. Tuy nhiên chắc chắn là phải duy trì để COVID-19 luôn là bệnh đặc hữu và giải pháp có thể sẽ như cúm mùa, đó là phải chích ngừa mỗi năm để theo kịp sự biến đổi của virus.

Nhắc lại những việc cần làm để mỗi người tự bảo vệ mình và gia đình trước làn sóng Omicron tại Việt Nam.

Thứ 1, quan trọng nhất là nếu chưa chích ngừa thì phải đi chích ngừa đủ hai mũi để có được miễn dịch bảo vệ tránh bị cơn bão cytokine khi mắc COVID. Thứ 2, tránh nhiễm bệnh và làm lây lan bệnh, đó là vẫn nên duy trì khẩu trang và rửa tay, tránh tụ tập đông người nếu không cần thiết, tự mình tránh tiếp xúc nếu bị nhiễm bệnh. Thứ 3, nếu bị nhiễm bệnh thì chú ý bồi dưỡng sức khỏe qua dinh dưỡng và chỉ nên uống thuốc kháng virus hay kháng đông đúng chỉ định. Thứ 4, chú ý vệ sinh môi trường chung quanh và bảo vệ môi trường vì các giải pháp như khẩu trang và bảo hộ sẽ làm gia tăng chất thải vào môi trường rất nhiều.

 

TS.BS. Phạm Hùng Vân - Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh

PCTU pctu Hội nghị khoa học