Một em nhỏ đeo khẩu trang đang đi ở gần khu Coloseum tại Rome ngày 10-3-2020 sau sắc lệnh phong tỏa toàn bộ nước Ý để phòng dịch COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Pháp, Ý, Tây Ban Nha và một số nước châu Âu khác đã yêu cầu người dân nên ở nhà, đe phạt nặng với một số trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa phòng dịch. Ngay ngày đầu tiên áp dụng, Pháp đã phạt hơn 4.000 người.
Châu Âu hiện đang có số người chết vì COVID-19 chiếm hơn một nửa trong tổng số người chết toàn cầu.
*Một ngày tăng kỷ lục nữa số người chết ở Ý
Theo hãng tin AFP, ngày 20-3 Ý ghi nhận 627 người chết vì COVID-19, mức tăng kỷ lục mới theo ngày tại nước này, đưa tổng số người chết vượt qua mốc 4.000 bất chấp những nỗ lực chống dịch của chính phủ.
Tỉ lệ chết vì COVID-19 theo ngày ở quốc gia Địa Trung Hải hiện đã cao hơn những số liệu công bố chính thức của Trung Quốc vào thời điểm đỉnh dịch tại Vũ Hán, Hồ Bắc.
Ý đang trở thành tâm dịch COVID-19 mới của toàn cầu. Chỉ trong vòng chưa tới 4 tuần, nước này đã ghi nhận số người chết cao hơn số liệu thống kê chính thức Trung Quốc công bố kể từ khi mới bùng dịch cuối tháng 12.
Tính tới 2h sáng nay (21-3) giờ Việt Nam, tổng số người chết ở Ý là 4.032 người. Số ca nhiễm tăng thêm trong ngày 20-3 tại đây là 6.000 đưa tổng số ca bệnh COVID-19 của Ý lên 47.021.
Như vậy hiện tại, quốc gia 60 triệu dân này đang chiếm tới 36,2% số ca tử vong toàn cầu vì COVID-19 và tỉ lệ chết vì bệnh này lên tới 8,6%, cao hơn hầu hết các nước.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
*Tây Ban Nha gần 20.000 ca nhiễm, hơn 1.000 người đã chết
Số người chết tăng cao cũng đã xảy ra tại một quốc gia châu Âu khác là Tây Ban Nha khi ngày 20-3 nước này có tổng cộng 1.002 người chết sau khi tăng thêm 235 người chết trong 24 giờ.
Số ca bệnh COVID-19 tại đây là gần 20.000 người, theo Bộ Y tế Tây Ban Nha.
Số ca nhiễm tăng vọt cùng số người chết vượt mốc 1.000 khiến Tây Ban Nha trở thành một trong 4 nước bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất thế giới.
Chỉ trong vòng 7 ngày qua, số người chết ở Tây Ban Nha tăng gấp 4 lần.
*Pháp có thêm 78 người chết trong 24 giờ
Ngày 20-3 Pháp ghi nhận thêm 78 người chết, nâng tổng số người chết vì COVID-19 của nước này lên 450 người.
Tổng cục trưởng Y tế Pháp, bác sĩ Jérôme Salomon cho biết hiện nước này có 12.612 ca nhiễm, song cảnh báo đây là "con số tối thiểu" so với số liệu thực những người nhiễm bệnh.
Ông Jérôme Salomon cũng nói hiện có 5.226 người đang trong viện và 1.300 người trong đó phải nằm phòng hồi sức tích cực.
"Có một nửa số bệnh nhân dưới 60 tuổi", ông nói, cảnh báo dịch bệnh cũng có thể tác động tới những người trẻ tuổi.
*Nhiều bang của Mỹ phát lệnh yêu cầu dân ở trong nhà
Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh quyết định của thống đốc các bang New York và California trong việc phát lệnh yêu cầu mọi cư dân ở trong nhà.
"Đó thực sự là hai điểm nóng", ông nói. Tuy nhiên ông Trump cũng nói ông không nghĩ cần phải thực thi một lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn nước Mỹ.
Ngay sau phát biểu của ông Trump, thống đốc bang Illinois và thống đốc bang Connecticut cũng đã yêu cầu mọi người dân ở trong nhà, hạn chế ra ngoài.
Các lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà này đặt 3 thành phố đông dân nhất của Mỹ là New York, Los Angeles và Chicago vào tình trạng phong tỏa.
Bang California, một trong những bang bị ảnh hưởng dịch nặng nhất ở Mỹ, có hơn 1.000 ca bệnh và 19 người chết. Bang New York tới nay ghi nhận hơn 7.000 ca và có 38 người chết.
Ngày 20-3 ông Trump thông báo Mỹ và Mexico đã nhất trí hạn chế việc đi lại không thiết yếu qua biên giới giữa hai nước, bắt đầu từ 21-3.
* Cuba, Bolivia đóng cửa biên giới, Brazil giảm mạnh dự báo tăng trưởng
Theo hãng tin AFP, Cuba và Bolivia ngày 20-3 công bố sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài để ngăn dịch COVID-19.
Theo hãng tin AFP, Cuba và Bolivia ngày 20-3 công bố sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài để ngăn dịch COVID-19.
Lệnh đóng cửa biên giới của Cuba có hiệu lực từ thứ ba tuần tới (24-3) và kéo dài trong 30 ngày. Bolivia tuyên bố đóng cửa biên giới, tạm ngừng các hoạt động giao thông vận tải liên tỉnh, liên khu bằng đường bộ, đường sông cho tới hết tháng này.
Chính phủ Bolivia cũng đang nghiên cứu khả năng áp dụng lệnh cách ly toàn bộ. Nước này chỉ mới có 15 ca bệnh COVID-19 nhưng dự kiến tổ chức tổng tuyển cử ngày 3-5.
Brazil hạ sâu mức dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống gần bằng 0, chỉ còn 0,02% trên cơ sở đánh giá tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Các nước châu Mỹ La tinh đang đẩy nhanh các biện pháp ngăn dịch khi tổng số ca nhiễm tăng hơn 3.000, số người chết lên 33 người.
*Trung Quốc không có ca lây nhiễm nào trong nước ngày thứ 3 liên tiếp
Theo hãng tin Reuters, chính quyền Trung Quốc ngày 21-3 thông báo trong ngày 20-3, nước này không ghi nhận ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng (ngày thứ 3 liên tiếp), mặc dù số ca bệnh nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng.
Cụ thể, theo thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia, ngày 20-3 Trung Quốc có thêm 41 ca mới, tất cả đều từ nước ngoài đưa vào, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 “nhập khẩu” tới nay tại Trung Quốc là 269 trường hợp.
Trong đó, số ca mới tăng nhiều nhất tại Bắc Kinh (14), Thượng Hải và 6 tỉnh thành khác của Trung Quốc cũng ghi nhận những ca bệnh từ nước ngoài vào.
Về số ca tử vong, tính tới cuối ngày 20-3, Trung Quốc đại lục có 3.255 người chết, tăng thêm 7 người so với ngày trước đó và tất cả đều ở tỉnh Hồ Bắc.
Nguồn: tuoitre.vn