Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

Liên hệ tuyển sinh

Gửi email cho chúng tôi:
Gọi hoặc Zalo cho chúng tôi:
Gửi hồ sơ về:
09 Nguyễn Gia Thiều, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Theo dõi chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội để không bỏ lỡ thông tin quan trọng về đăng ký, học bổng, cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng trong các hoạt động của chúng tôi.

Bệnh sán lợn

01

Hình 1: Thịt lợn nhiễm sán

Thịt lợn cung cấp nguồn protein chất lượng cao quan trọng, dễ chế biến và giá thành hợp lý nên được xem như không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình người Việt. Tuy nhiên, việc cung cấp thịt lợn đang bị đe dọa bởi các bệnh truyền nhiễm như đợt dịch sốt lợn Châu Phi bùng phát vào tháng 2/2019 và bây giờ là bệnh dịch sán lợn đang có nguy cơ tăng đột biến tại các tỉnh phía Bắc. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay đã có hơn 55 tỉnh thành ghi nhận căn bệnh này. Tuy nhiên, người dân cần được tư vấn và giáo dục đầy đủ về bệnh này, tránh tình trạng hoang mang trong cộng đồng.

Sán lợn hay còn gọi là sán dây lợn có tên khoa học là Taenia solium là con sán hình dẹp có một đầu có các miệng xúc tu để bám vào thành ruột và thân là các đốt sán liên tục dính vào nhau thành một dây. Bệnh ấu trùng sán lợn (cysticercosis) là do nhiễm ấu trùng của sán lợn. Bệnh sán lợn (taeniasis) là do nhiễm sán lợn trưởng thành.

1. Dịch tễ học:

Bệnh nhiễm trùng sán lợn phân bố rải rác ở nhiều nước trên thế giới, ước tính khoảng 50 triệu người nhiễm bệnh [1]. Ước tính này có thể thấp hơn tỉ lệ lưu hành thật sự vì nhiều khi bệnh không có biểu hiện lâm sàng và có khá ít dữ liệu nghiên cứu dịch tễ về tỷ lệ lưu hành. Bệnh nhiễm trùng sán lợn được tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận là bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Bệnh phân bố chủ yếu ở các nước đang phát triển ở Trung và Nam Mỹ, Châu Phi cận Sahara, Ấn Độ và Châu Á. Tỷ lệ mắc ấu trùng sán lợn khác nhau ở các quốc gia này và thường cao hơn ở khu vực nông thôn hoặc vùng ngoại ô nơi nuôi lợn và điều kiện vệ sinh còn kém. Tại Việt Nam, nhiễm trùng sán lợn phân bố ở nhiều nơi liên quan đến tập quán ăn uống thịt lợn chưa nấu chín. Trên vùng đồng bằng, tỷ lệ nhiễm sán dây lợn từ 0.5 – 2%, trong khi đó ở trung du và miền núi thì tỷ lệ cao hơn 2-6%. Dịch bệnh nhiễm trùng sán lợn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí phát sinh và tác động tiêu cực đến thị trường buôn bán thịt lợn.

2. Chu trình sống và phát triển của sán lợn:

02

Hình 2: Chu trình phát triển của sán lợn

Người và lợn nhiễm ấu trùng sán lợn do ăn phải trứng T. solium từ phân của người bị nhiễm sán dây trưởng thành. Sau khi ăn, phôi trứng (oncospheres) nở trong ruột non, xâm lấn vào thành ruột và qua đường máu vào não, cơ vân, gan và/hoặc các mô khác. Trong khoảng thời gian từ 3 đến 8 tuần, các nang sán lợn phát triển trong mô; đây là các nang có màng bọc bên ngoài, bên trong chứa đầy chất lỏng và một đầu sán dây (gọi là scolex). Chẩn đoán lợn bị nhiễm sán lợn nhờ tìm thấy được nhiều nang này mà người ta thường gọi là các hạt gạo có rất nhiều trong thịt lợn.

Người bị nhiễm sán lợn (nhiễm sán dây trưởng thành) do ăn phải thịt lợn gạo (thịt lợn chứa các nang ấu trùng sán) không nấu chín (ví dụ nem, giò,…). Sau khi ăn, các nang này sẽ bám vào ruột non và di chuyển trong ruột non của người bằng những cái mút và móc của phần đầu scolex. Sau đó nó sẽ phân đốt và dài dần ra bằng các tạo thành các đốt sán liên tiếp nhau, gọi là proglottids. Các đốt sán phát triển trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tháng. Sán dây trưởng thành có thể cư trú trong ruột non trong nhiều năm; chúng có thể phát triển chiều dài lên tới 7m (trung bình là 2-4m) với mỗi đốt sán chứa 50.000 đến 100.000 trứng. Trứng được thải ra môi trường bằng đường phân hay đôi khi tự chui ra khỏi hậu môn. Chính vì vậy mà có thể chẩn đoán được một người bị nhiễm sán lợn qua việc tìm thấy các đốt sán trong phân hay các đốt sán tự chui ra khỏi hậu môn của người.

Như vậy, T. solium có vòng đời hai vật chủ giữa người và lợn. Con người là vật chủ duy nhất cho sán dây trưởng thành, trong khi cả lợn và người đều có thể là vật chủ trung gian mang T. solium giai đoạn ấu trùng (cysticercus). Khoảng 5-10% người nhiễm ấu trùng sán lợn phát triển thành nhiễm sán trưởng thành.

03

Hình 3: Vòng đời của Taenia solium

Lợn bị nhiễm bệnh thông qua việc ăn thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm bởi phân người bị nhiễm bệnh. Sự lây truyền này phổ biến ở các cộng đồng nông thôn nơi lợn lang thang tự do và có sự ô nhiễm phân người. Sự lây truyền từ lợn sang lợn cũng có xảy ra, mặc dù ảnh hưởng của việc này đến tỷ lệ lây nhiễm ở người chưa được hiểu đầy đủ.

Một quan niệm sai lầm phổ biến là người ta cho rằng bệnh ấu trùng sán lợn (cysticercosis) là do nhiễm trực tiếp từ việc ăn thịt lợn. Tuy nhiên, như vòng đời đã mô tả ở trên, việc ăn thịt lợn bị nhiễm bệnh chỉ gây ra bệnh sán dây trưởng thành vì thịt lợn bị nhiễm có chứa các nang ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành trong ruột người nhưng không chứa trứng gây ra bệnh ấu trùng sán lợn.

Trước đây, người ta cho rằng, việc truyền bệnh cysticercosis có thể xảy ra gián tiếp, chẳng hạn như do ăn phải sản phẩm nông sản được tưới bằng nước nhiễm phân người có chứa trứng T. solium. Ví dụ, người nếu ăn phải rau cải tưới phân người bị nhiễm các trứng sán lợn (do các đốt sán lợn phân hủy thải ra) thì các trứng này khi vào ruột người sẽ phát triển thành các ấu trùng để chui qua ruột người vào máu rồi hình thành các nang ấu trùng sán tại các cơ quan, thường nhất là ở các cơ dưới da, mắt và não. Ngoài ra cũng có trường hợp đốt sán lợn bò ngược lên bao tử rồi bị dịch vị bao tử phân hủy thải ra các trứng sán lợn xuống lại ruột non nở thành các ấu trùng chui qua thành ruột vào máu đến các cơ quan tạo thành nang ấu trùng sán. Nhưng các trường hợp như vậy rất hiếm xảy ra. Trong khi đó, bằng chứng dịch tễ học gần đây cho thấy nguồn nhiễm trùng trứng sán lợn phổ biến nhất lại là từ người mang sán không có triệu chứng [2,3,4,5]. Do đó, cysticercosis nên được xem là một bệnh lây truyền từ người này sang người khác, trong đó lợn bị nhiễm bệnh là thủ phạm gây nhiễm trùng, chứ không phải nhiễm thông qua các nguồn môi trường.

3. Chẩn đoán người nhiễm sán lợn:

Chẩn đoán người bị nhiễm sán lợn đa số là qua việc phát hiện được các đốt sán tự chui ra khỏi hậu môn hay được thải ra phân chứ không phải qua xét nghiệm máu tìm kháng thể vì bình thường chu kỳ sống của sán lợn ở người thì không có ấu trùng sán lợn chui qua ruột để vào máu hình thành nang ấu trùng sán. Chỉ trong các trường hợp người mang các nang ấu trùng sán thì mới có sự hình thành các kháng thể đặc hiệu sán lợn mà thôi (mà như đã phân tích ở trên thì các trường hợp nhiễm này lại không phải do ăn thịt lợn gạo mà do ăn phải trứng sán lợn có trong rau hay nước bị nhiễm trứng sán lợn được phóng thích từ các đốt sán lợn có ở môi trường hoặc lây từ người sang người).

4. Ý nghĩa của xét nghiệm máu để chẩn đoán nhiễm sán lợn:

Xét nghiệm ELISA không phải là xét nghiệm dùng để chẩn đoán người bị nhiễm sán lợn vì bình thường người nhiễm sán lợn chỉ có con sán trưởng thành nẳm trong ruột chứ không có ấu trùng chui vào máu hay nang sán tại các cơ quan để có cơ hội tiếp xúc với hệ miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu sán lợn. Xét nghiệm ELISA tìm sán lợn chỉ được cho chỉ định trên người mà lâm sàng khám thấy có các nang dưới da, trong cơ, hay siêu âm thấy có có các nang nghi nang sán có trong não, mắt, hay các cơ quan. Ngoài ra thử nghiệm ELISA chẩn đoán nhiễm sán lợn nếu sử dụng các kit không chất lượng không dùng được các kháng nguyên đặc hiệu cao cho sán lợn thì sẽ cho rất nhiều trường hợp dương tính giả. Chính vì vậy một kết quả ELISA phải luôn luôn được biện luận cùng với lâm sàng, với tỷ lệ bạch cầu ưa axit (eosinophil) trong máu (phải cao hơn 9% hay ít nhất phải 7%).

5. Phòng bệnh [1]:

Ngăn ngừa nhiễm sán dây ở người rất quan trọng trong việc giảm số lượng người mang trứng và có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ tiêu thụ thịt lợn của người bị nhiễm sán dây. Các phương pháp bao gồm:

-  Kiểm tra thịt lợn nhiễm nang sán (lợn gạo), có thể nhìn thấy trong thịt sống.

- Đông lạnh thịt hoặc nấu chín kỹ để tiêu diệt nang sán lợn; ngâm và rửa muối là không đủ đảm bảo. Tiêm các chất chống ký sinh trùng cho lợn có thể làm giảm ký sinh trùng nhưng không đủ tin cậy để đảm bảo thịt lợn an toàn.

Ngăn ngừa lây truyền bệnh nhiễm trùng nang sán cho lợn có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ sự tiếp cận của lợn với phân người. Các phương pháp bao gồm:

- Cải thiện điều kiện vệ sinh để xử lý chất thải của con người đúng cách (sử dụng nhà vệ sinh hoặc hệ thống nước thải)

- Nhốt lợn để chúng không được phép đi lang thang trong các khu vực có chất thải của con người.

Giảm lây truyền: Các cơ chế làm gián đoạn quá trình lây truyền trứng giữa người với người bao gồm:

- Giáo dục cộng đồng về các đường lây truyền

- Vệ sinh cá nhân tốt và rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn

- Điều trị trúng đích cho người mang sán dây ở người

- Các chương trình chống giun sán cộng đồng lớn để điều trị người mang sán dây

Phương pháp điều trị lựa chọn cho sán dây T. solium trong cộng đồng là niclosamide, liều duy nhất 2g (bốn viên nhai) ở người lớn, 1,5g ở trẻ em trên 34 kg và 1g ở trẻ em từ 11 đến 34 kg. Niclosamide không còn được bán trên thị trường Hoa Kỳ. Praziquantel có thể được sử dụng thay thế với liều 10 mg/kg trong một liều duy nhất.

Hiện nay không có vắc-xin được nghiên cứu trên người.

Nguồn tham khảo:

  1. Uptodate: “Cysticercosis: Epidemiology, transmission, and prevention”
  2. Lescano AG, Garcia HH, Gilman RH, et al. Taenia solium cysticercosis hotspots surrounding tapeworm carriers: clustering on human seroprevalence but not on seizures. PLoS Negl Trop Dis 2009; 3:e371.
  3. Garcia HH, Nash TE, Del Brutto OH. Clinical symptoms, diagnosis, and treatment of neurocysticercosis. Lancet Neurol 2014; 13:1202.
  4. Sarti-Gutierrez EJ, Schantz PM, Lara-Aguilera R, Gomez Dandoy H, Flisser A. Taenia solium
    taeniasis and cysticercosis in a Mexican village. Trop Med Parasitol 1988; 39: 194–48. [PubMed:
    3194663]
  5. O’Neal SE, Moyano LM, Ayvar V, et al. Geographic correlation between tapeworm carriers and
    heavily infected cysticercotic pigs. PLoS Negl Trop Dis 2012; 6: e1953. [PubMed: 23285305]