Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

Liên hệ tuyển sinh

Gửi email cho chúng tôi:
Gọi hoặc Zalo cho chúng tôi:
Gửi hồ sơ về:
09 Nguyễn Gia Thiều, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Theo dõi chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội để không bỏ lỡ thông tin quan trọng về đăng ký, học bổng, cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng trong các hoạt động của chúng tôi.

Vaccine Covid-19 Oxford ra đời như thế nào?

Giáo sư Teresa Lambe bị đánh thức bởi một email quan trọng chia sẻ bộ gene nCoV từ các nhà khoa học Trung Quốc, khi ấy thế giới chưa biết gì về Covid-19.

Hôm ấy là ngày 11/1. Nữ giáo sư lập tức bật dậy trong bộ đồ ngủ và miệt mài thiết kế một loại vaccine mới trong 48 giờ tiếp theo. Lambe không biết đây là khởi đầu cho chuỗi ngày bận rộn mà cô chưa từng trải qua trong đời.

Lambe làm việc tại Viện nghiên cứu Jenner, Đại học Oxford, do giáo sư Sarah Gilbert dẫn đầu. Trong quá khứ, họ đã từng thử nghiệm một số loại vaccine sốt rét, cúm, MERS-CoV (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông)... Vì vậy, họ tự tin sáng chế thành công loại vaccine chưa từng có này.

Thời khắc đó khởi đầu hành trình ra đời một loại vaccine trong khoảng 10 tháng, lẽ thường, phải mất một thập niên.

Vào giữa tháng 1, giáo sư Andrew Pollard, giám đốc Tổ chức Vaccine Oxford, đơn vị điều hành các thử nghiệm lâm sàng, nói về một đại dịch giống dịch cúm năm 1918. "Nó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta", viễn cảnh đó khiến Pollard rùng mình.

Nhóm của Pollard đã hợp tác với đội của Gilbert đưa vaccine vào thử nghiệm lâm sàng.

Nhưng làm sao có đủ chi phí cho các thử nghiệm là điều nan giải. Gilbert thức dậy lúc 4 giờ sáng để "viết thư thuyết phục các nhà tài trợ cho chuyển tiền từ các dự án khác sang kế hoạch cấp thiết này". Một tháng sau, chính phủ Anh hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vaccine.

Những liều vaccine đầu tiên ra đời tại phòng thí nghiệm Đại học Oxford, khi giáo sư Catherine Green tạo ra một loại tế bào để nuôi cấy virus theo thiết kế ban đầu của Lambe.

Quá trình làm ra vaccine hấp dẫn như món ăn được chế biến dưới đôi tay thuần thục của đầu bếp trứ danh. Nhà khoa học dùng loại virus gây ra cảm lạnh thông thường ở tinh tinh, loại bỏ một phần bộ gene để không gây bệnh trên người, chèn vào đó một mẩu gene của nCoV. Virus mới được điều chỉnh gene để có thể sinh sôi nhanh chóng trong tế bào nuôi cấy. Hàng tỷ tỷ virus đặc biệt này được tạo ra và tinh chế thành vaccine.

Giáo sư Teresa Lambe, Viện nghiên cứu Jenner, Đại học Oxford. Ảnh: BBC

Giáo sư Teresa Lambe, Viện nghiên cứu Jenner, Đại học Oxford. Ảnh: BBC

Nhóm của Green làm việc miệt mài không kể ngày đêm. Green nói: "Chúng tôi chấp nhận rủi ro khi tiến hành thí nghiệm đợt sau, trước khi biết kết quả đợt trước. Nếu kết quả đợt trước không tốt, chúng tôi sẽ phải bỏ tất cả những thí nghiệm còn lại".

May thay, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Sau bảy tuần, họ có đủ số lượng vaccine cho các phiên thử nghiệm đầu tiên. 10.000 tình nguyện viên được tuyển trong vòng vài giờ. Elisa Granato, nhà vi sinh vật học và Edward O'Neill, nhà nghiên cứu ung thư, là hai người đầu tiên nhận được chích vaccine thử nghiệm của Oxford vào tháng 4. Sau 48 giờ, Granato và O'Neill không có phản ứng bất lợi nghiêm trọng. Số lượng tình nguyện viên tăng dần.

Nhưng chỉ vài ngày sau, mạng xã hội tràn ngập thông tin rằng người tình nguyện đầu tiên, Granato, đã qua đời. Green căng thẳng: "Sao lại có thể lan truyền những tin tức giả dối như vậy? Thật bất công vì nhóm của tôi đã làm hết sức".

Khi có thêm nhiều cuộc thử nghiệm, nhóm nghiên cứu quyết định thuê một cơ sở sản xuất vaccine quy mô lớn ở Italy. Nhưng khi lô hàng đầu tiên sẵn sàng, lệnh đóng cửa trên toàn châu Âu có hiệu lực. Không có chuyến bay vận chuyển vaccine về Anh từ Rome.

Cuối cùng, họ thuê một máy bay tư nhân mang 500 liều vaccine về London kịp thời.

Các nhà sản xuất Italy đã sử dụng một kỹ thuật khác với Oxford để kiểm tra nồng độ virus trong vaccine, khiến vaccine sản xuất từ nước này có nồng độ gấp đôi. Nhiều cuộc trao đổi được thực hiện giữa các đối tác và các cơ quan quản lý y tế. Sau đó, các chuyên gia đồng ý những người tình nguyện nên được tiêm một nửa liều vaccine, tương đương với một liều thuốc thông thường.

Một tuần sau, các nhà khoa học nhận thấy tình nguyện viên không gặp phải các tác dụng phụ thông thường như đau cánh tay hoặc sốt. Khoảng 1.300 tình nguyện viên chỉ được tiêm một nửa liều vaccine. Vô tình, họ lại là nhóm đạt hiệu quả cao nhất.

Ngay từ đầu, nhóm nghiên cứu tại Oxford đã có mục tiêu tạo ra một loại vaccine giúp ích nhân loại.Đề nghị giúp đỡ của ngài Mene Pangalos, công ty dược phẩm khổng lồ AstraZeneca có trụ sở tại Cambridge đến đúng lúc. Nhưng làm sao vaccine có giá phải chăng? Tức là công ty dược phẩm không có lợi nhuận, và đó không phải cách thức hoạt động của doanh nghiệp.

Sau những phiên đàm phán căng thẳng, họ đã đạt thỏa thuận, vào cuối tháng 4. Vaccine sẽ được cung cấp với giá phi lợi nhuận trên toàn thế giới trong đại dịch, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình luôn được trợ giá. Quan trọng nhất, AstraZeneca đồng ý chấp nhận rủi ro tài chính, ngay cả khi vaccine không có tác dụng.

Tháng 5, chính phủ Anh đồng ý mua 100 triệu liều thuốc và hỗ trợ gần 90 triệu bảng.

Ngày 20/7, kết quả ban đầu trên 1.000 tình nguyện viên được công bố. Vaccine an toàn và đã kích hoạt phản ứng miễn dịch sau hai lần tiêm, tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa virus và tế bào T, tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh.

"Tôi đã làm việc trong lĩnh vực vaccine đủ lâu để biết rằng hầu hết vaccine thực sự không hoạt động", giáo sư Katie Ewer, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết. "Nhưng kết quả ban đầu như thế thật tốt", ông nói.

Vào cuối mùa hè, các cuộc thử nghiệm vaccine đã được tiến hành ở sáu quốc gia bao gồm Anh, Brazil, Nam Phi và Mỹ. Gần 20.000 tình nguyện viên đã được tuyển dụng. Nhưng vào ngày 6/9, đột nhiên mọi thứ dừng lại.

Một tình nguyện viên mắc tình trạng thần kinh hiếm gặp.

Giáo sư Andrew Pollard, giám đốc Tổ chức Vaccine Oxford, đơn vị điều hành các thử nghiệm lâm sàng. Ảnh: BBC

Giáo sư Andrew Pollard, giám đốc Tổ chức Vaccine Oxford, đơn vị điều hành các thử nghiệm lâm sàng. Ảnh: BBC

Pollard nói: "Trong thử nghiệm lâm sàng với quy mô hàng chục nghìn người, mọi thứ sẽ xảy ra. Sẽ có những người phát triển ung thư và phát triển các tình trạng thần kinh. Nhưng điều cần làm là tìm hiểu, liệu nó có liên quan đến vaccine hay không?". Một cuộc điều tra độc lập không tìm thấy nguyên nhân căn bệnh có nguồn gốc từ vaccine. Nhưng họ cũng không loại trừ điều đó. Tình nguyện viên được theo dõi và đang hồi phục.

Cuối cùng, ngày 22/11, ủy ban an toàn dữ liệu độc lập tiết lộ những phát hiện của Oxford-AstraZeneca. Kết quả ngạc nhiên và phức tạp hơn mong đợi. Vaccine Oxford có 3 kết quả: hiệu quả trung bình là 70%, trong đó 62% là nhóm có hai liều đầy đủ và 90% là nhóm có những người được dùng nửa liều.

"Cuối cùng, chúng tôi đã hoàn thành công việc. Các bộ dữ liệu sẽ được cung cấp cho cơ quan quản lý thuốc trên toàn thế giới phê duyệt. Quy trình triển khai vaccine nghiêm ngặt như trong thời gian bình thường", Pangalos cho biết.

Tuần trước, nhóm nghiên cứu Oxford đã công bố phân tích về dữ liệu thử nghiệm của họ trên tạp chí y khoa Lancet. Sự minh bạch này đã khiến các chuyên gia yên tâm.

Vaccine Oxford-AstraZeneca có lợi thế quan trọng là được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường.

Ngài Jeremy Farrar, người đứng đầu Wellcome Trust, cho biết điều này khiến cuộc chơi thay đổi. "Nếu vaccine phải bảo quản trong đá khô, làm thế nào để đưa sản phẩm vào các ngôi làng ở Anh, châu Phi cận Sahara hay Brazil?"

Giáo sư Gilbert nói: "Thật nhẹ nhõm khi công sức đã không lãng phí".

Còn giáo sư Lambe xúc động chia sẻ lời an ủi của con trai, khi cô cảm thấy có lỗi vì không ở nhà thường xuyên với con: "Không sao đâu, mẹ đang làm một việc tốt cho tất cả mọi người, trong đó có con".

Một năm làm việc vất vả với vaccine đã mang đến cho các thành viên những cung bậc cảm xúc khó tả.

Ngài Farrar nói: "Tôi nghĩ khoa học là lối thoát thần kỳ trong đại dịch và vaccine là tâm điểm của mọi nỗ lực. Cả đời, tôi chưa từng chứng kiến sự tiến bộ kinh ngạc của khoa học, chỉ trong vòng một năm".

Ý Nhi (Theo BBC)

PCTU pctu Hội nghị khoa học