KẾT QUẢ BAN ĐẦU DẠY TRỰC TUYẾN CỦA KHOA Y, ĐẠI HỌC PHAN CHÂU TRINH
Bối cảnh hiện nay
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh SARS-CoV-2, Bộ Giáo Dục và Đào tạo đã đưa ra khuyến khích các trường tổ chức dạy học online để hạn chế tập trung cũng như không làm gián đoạn kiến thức của học sinh, sinh viên khi phải ở nhà trong một thời gian dài, từ đây việc dạy và học trực tuyến trở thành một xu hướng tất yếu trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0.Nhiều trường đại học trong nước cũng như trên thế giới đã và đang chuyển việc giảng dạy từ truyền thống sang trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh lây lan bùng phát này. Trường đại học Phan Châu Trinh không là ngoại lệ.
Trường Đại học Phan Châu Trinh đào tạo nhiều ngành học, nhưng chú trọng nhiều đến ngành sức khỏe và quản trị bệnh viện, chương trình đào tạo ngành này rất nặng về cả lý thuyết cũng như thực hành tại BV. Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng và kỹ thuật, nguồn lực giảng viên cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng chương trình giảng dạy chuyên ngành như y khoa của PCTU là rất quan trọng. Nhiều giảng viên tại chỗ, nhưng cũng có nhiều giảng viên giỏi, xuất sắc ở các trường đại học y khoa, BV lớn trong nước, hay tại nước ngoài như Hoa kỳ, Pháp, Ý, Thụy Điển, Hàn Quốc đã được mời tham gia giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học cùng trường từ ban đầu. Khi dịch bệnh khởi phát và bùng phát tại Vũ Hán - Trung Quốc vào tháng 12.2019, BGH nhà trường đã tiên đoán sự khó khăn có thể xảy ra trong việc giảng dạy truyền thống hay gọi là dạy onsite cho sinh viên trường nếu dịch bệnh lây lan nhanh. Vậy làm thế nào để chương trình học tập phải được liên tục, không dừng lại, làm thế nào cho dòng chảy kiến thức y khoa từ Thầy Cô đến sinh viên không đứt quãng vì như vậy sẽ mất đi cảm xúc y khoa và mất trớn trong học tập, sự tái lập sau đó không dễ dàng hay cũng mất một thời gian? BGH tập trung thảo luận chủ trương bổ sung phương thức giảng dạy bằng phương thức online (online infraconstruction) trong y khoa và dự án đầu tư được nghiên cứu và tham khảo kỹ càng từ đầu tháng 1.2020, đưa vào ứng dụng vào đầu tháng 2 .2020 và Nhà trường khuyến khích sinh viên tiếp tục ở lại trường để học qua công cụ online này.
Khó khăn và thách thức quá trình triển khai giảng dạy qua online
Bước đầu trường sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông có sẵn triển khai tức thì việc dạy và học trực tuyến. Nhiều khó khăn đã bộc lộ như giảng viên đa phần sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống, giảng viên đến lớp và tương tác trực tiếp với sinh viên, nên khi triển khai giảng dạy trực tuyến giảng viên chưa tiếp cận với công nghệ, không tự tin ngồi trước màn hình máy tính và các thiết bị công nghệ, sợ không tương tác được với sinh viên… Sinh viên hoài nghi về tốc độ đường truyền Internet, hình ảnh, âm thanh không truyền tải được hết các nội dung mà giảng viên giảng dạy.
Nhìn thấy được những yếu tố trở ngại trên đây, một giải pháp then chốt để khắc phục trở ngại GV- SV và cải thiện chất lượng giảng dạy trực tuyến đó là tiếp tục đầu tư nâng cấp vào công nghệ thông tin và tuyền thông cho dự án này.
Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ngoài đầu tư đường dẫn truyền internet tốc độ cao 150 MB, trường còn đầu tư hai đầu cầu dạy và học. Đầu cầu giảng viên đặt tại thành phố Hồ chí Minh, với các trang thiết bị công nghệ hiện đại như: Phòng studio/online thiết bị chuẩn của Mỹ gồm phần cứng Polycom Trio 8500-12X MSR (Camera, mic, loa, Trio Visual +); 01 Màn hình tương tác: BENQ RM5502K; 02 màn hình Tivi Sony 43in; 01 bộ Trio Visual + ; 01 laptop HP. Đầu cầu sinh viên đặt ngay tại trường Y khoa Đại học Phan Châu Trinh cũng với các trang thiết bị phần cứng và phần mềm hiện đại đồng bộ với đầu cầu giảng viên và phòng học được tiêu âm đúng chuẩn. Cả hai đầu cầu đều có trợ giảng (TA), trợ giảng đầu cầu GV có ưu thế công nghệ thông tin và biết cơ bản y khoa, Đầu cầu sinh viên trợ giảng là giảng viên phụ giảng có biết ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giúp sinh viên tương tác dễ dàng với giảng viên và hỗ trợ giảng viên trong thảo luận, thuyết trình. Trong giai đoạn triển khai nâng cấp cho dự án giảng dạy Online này nhà trường đang lập kế hoạch dạy và học ở bất cứ nơi đâu cho giảng viên và sinh viên, Thầy dạy bất cứ nơi đâu và sinh viên học ở nhà, tại ký túc xá và không cần tập trung ở trường.
Để sinh viên có thể tương tác tốt với giảng viên, Nhà trường triển khai Hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System): là hệ thống phần mềm chạy trên nền tảng CiscoWeb cho phép tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động đào tạo; giúp Nhà trường theo dõi và quản lý quá trình học tập của sinh viên; tạo ra môi trường dạy và học ảo; giúp giảng viên giao tiếp với người học trong việc giao bài tập, trợ giúp, giải đáp; giúp sinh viên có thể theo dõi được tiến trình học tập, tham gia các nội dung học qua mạng, kết nối với giảng viên và các sinh viên khác để trao đổi bài, kể cả việc ra bài và chấm bài cho sinh viên. Các bài giảng trực tuyến được Nhà trường lưu lại trên LMS để sinh viên có thể xem lại khi cần
Kết quả ban đầu đạt được tại khoa y, Đại học Phan Châu Trinh
Ngay từ buổi đầu vận hành có rất nhiều ý kiến đóng góp để Nhà trường hoàn chỉnh công cụ cũng như cách triển khai để giảng dạy qua Online:
Ý kiến của giảng viên: mặc dù buổi đầu tiên giảng dạy online, sinh viên nghiêm túc, chuẩn bị bài thuyết trình của mình thật chỉnh chu và đầy đủ, cách vận hành công cụ giảng dạy của giảng viên còn bỡ ngỡ nên yêu cầu cần phải có IT để luôn luôn hỗ trợ giảng viên, chất lượng hình ảnh đầu cầu sinh viên chưa được rõ nét, âm thanh còn có nhiều tạp âm, dạy trực tiếp cho sinh viên tại chỗ, thì thầy thấy được Sinh viên và nhìn Sinh viên, Thầy sẽ hiểu được sinh viên có hiểu bài hay không, và sinh viên còn ấp úng chỗ nào. Dạy trực tuyến thì thầy không quan sát rõ từng sinh viên một, qua một số câu hỏi tương tác thì thầy mới biết được mức độ hiểu bài của sinh viên, điểm thích thú nhất của giảng viên trang thiết bị hiện đại, giảng viên khỏi di chuyển xa để giảng dạy, rất tiện cho giảng viên sắp xếp công việc cũng như giảng dạy.
Ý kiến của sinh viên: phần mềm LMS đã giúp sinh viên xem được các tài liệu học tập, các file trình chiếu, … giúp các em chuẩn bị bài học, bài thuyết trình trước khi đến lớp, nên các em thấy học thoải mái, lớp học yên tĩnh, có tinh thần tự học cao, tự chủ được thời gian học tập. Các em cũng mong muốn Nhà trường cải thiện tốt hơn nữa về hình ảnh và âm thanh để tương tác giữa sinh viên và giảng viên được gần hơn.
Nhà trường đã tiếp thu các ý kiến của giảng viên và sinh viên và hoàn thiện tốt hơn công cụ giảng dạy như đầu tư thêm thiết bị ghi hình, cải thiện âm thanh bằng cách xây dựng hệ thống tiêu âm cho phòng học …
Kết quả khảo sát
Hiện nay Nhà trường đã triển khai giảng dạy online cho đầu cầu được 2 tuần và kết quả khảo sát sinh viên đạt được như sau:
- 100% khảo sát của sinh viên về phòng học, trang thiết bị đáp ứng được yêu cầu giảng dạy qua online
- 100% đồng ý với đường truyền Internet duy trì ổn định
- 96% đồng ý với chất lượng hình ảnh trong bài giảng đáp ứng yêu cầu giảng dạy phòng học trực tuyến
- 100% đồng ý với chất lượng âm thanh trong phòng học
- 100% đồng ý với phương pháp giảng dạy của giảng viên phù hợp, dễ hiểu.
- 96% đồng ý với giảng viên giảng dạy qua Online có thu hút được sinh viên ham học
- 92% đồng ý với mô hình giảng dạy trực tuyến có đáp ứng đầy đủ kiến thức, để sinh viên tự học.
- 100% đồng ý Nhà trường triển khai giảng dạy qua Online cho các học phần tiếp theo.
Với kết quả ban đầu được ghi nhận, chúng tôi hy vọng việc đầu tư dạy và học y khoa bằng phương cách online của y khoa Đại học Phan Châu Trinh có thể khả thi ít nhất trong giai đoạn mà phần lớn sự giao thông, quan hệ trực tiếp, sự tương tác trực tiếp, sự truyền đạt trực tiếp trong dạy và học có khoảng cách. Có thể trong tương lai không xa xã hội sẽ đồng tình với cách dạy và học này khi càng ngày nền công nghệ 4.0 càng phát triển làm cho Thầy và trò dù cách xa nhau mà vẫn có cảm xúc tương tác nhau không khác nhiều với cách dạy truyền thống, rồi nó như công cụ quen thuộc không thể thiếu trong giảng dạy y khoa góp phần xây dựng chất lượng thầy thuốc ra trường vẫn tốt như mong ước của xã hội. Y khoa Đại học Phan Châu Trinh tiếp tục đeo đuổi và theo dõi dự án án này, xem nó như dự án nghiên cứu phương thức giảng dạy trong ngành khoa học sức khỏe của trường.
Y khoa Đại học Phan Châu Trinh