Trường ĐH Phan Châu Trinh đã, đang phát triển chương trình tích hợp để sinh viên có thể tiếp thu chương trình học tại Việt Nam, lấy bằng thực hành tại Mỹ (USLME).
Giao lưu trao đổi kiến thức Sinh viên ĐH Phan Châu Trinh - UCSF
AN QUÂN
Đồng thời Trường ĐH Phan Châu Trinh tiếp tục phát triển nhân lực Y khoa, khoa học sức khỏe trong và ngoài nước, đạt chất lượng kiểm định khu vực và quốc tế.
BS Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch Trường ĐH Phan Châu Trinh, cho biết mục tiêu của Trường ĐH Phan Châu Trinh là xây dựng một trường ĐH chuẩn mực, danh giá, trong đó ngành khoa học Sức khỏe (health sciences) gồm Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ răng hàm mặt, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học… được đề cao. Với tầm nhìn chiến lược là đào tạo và nghiên cứu ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, trong năm học 2020, Trường ĐH Phan Châu Trinh tập trung xây dựng 6 “mũi nhọn”, làm kim chỉ nam hoạt động của mình.
Thứ nhất, trường tập trung là phát triển chương trình tích hợp (gồm chương trình cơ bản của Việt Nam phối hợp với chương trình, giáo trình Mỹ.
Thứ hai là phát triển cơ cấu giảng viên, gồm giảng viên Y khoa đến từ các trường ĐH hàng đầu của Mỹ, đảm nhận những môn học quan trọng, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; cùng với giảng viên Việt Nam tu nghiệp nước ngoài, có khả năng đáp ứng với chương trình tích hợp.
Thứ ba là trình độ tiếng Anh của sinh viên (SV) đảm bảo học chương trình tiếng Anh Y khoa chuyên môn, thực hiện chương trình trao đổi SV với Mỹ (vừa qua, SV của Trường ĐH Phan Châu Trinh đã giành giải nhất cuộc thi Olympic English Pupils, Students of Quang Nam Province).
Thứ tư là hệ thống 5 bệnh viện (BV) thực hành, với gần 1.100 giường bệnh, SV Trường ĐH Phan Châu Trinh có thể học trong môi trường BV ngay năm đầu nhập học, đạt 70 - 80 % thời lượng thực tập BV của cả quá trình đào tạo.
Thứ năm, đó là SV Trường ĐH Phan Châu Trinh phải có thế mạnh công nghệ thông tin, trường đầu tư trung tâm IAMC (trung tâm quản lý học thuật thông minh), vừa hỗ trợ SV Y khoa học giải phẫu theo thực tế ảo và là nơi quản lý học thuật. Trung tâm IAMC còn là nơi hỗ trợ cho chương trình học trực tuyến rất hiệu quả, nhất là đối với những giáo sư y khoa tại Mỹ, trong bất kỳ trường hợp nào. Tiếp theo đó là ngân hàng đề thi (LMS), vừa là nơi nghiên cứu phát triển dữ liệu lớn vừa sản xuất phần mềm chẩn đoán và điều trị, phần mềm bệnh án điện tử.
“Mũi nhọn” cuối cùng là Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng, giúp SV làm quen và tham gia nghiên cứu khoa học cùng giảng viên trong thời gian học tập của mình tại trường và BV trường. Đây được xem là điều kiện học tập thực tế và hiệu quả mà không phải cơ sở đào tạo Y khoa nào cũng có được.
Các thư viện điện tử mà trường kết nối như Hinari, Uptodate hay Amboss là những thư viện mà thế giới đang sử dụng một cách rộng rãi, đặc biệt là thư viện điện tử Amboss. Đây là một hệ thống học tập bao gồm tài liệu, sách tham khảo, bài giảng, tài liệu nghe nhìn, ngân hàng câu hỏi… Ở Mỹ, hơn 40% SV thuộc các trường Y hàng đầu đã truy cập Amboss, ở Đức hay Thụy Sỹ có hơn 95% SV truy cập nguồn dữ liệu này.
Hỗ trợ SV “giải mã”, “cập nhật” kiến thức từ kho thư viện Y khoa điện tử toàn thế giới này là lực lượng giảng viên gồm các bác sĩ, giáo sư nổi tiếng trong nước và cả những vị giáo sư hàng đầu của Mỹ. Như GS Waldo Concepcion, chuyên gia ghép tạng thuộc ĐH Stanford; GS Peter J. Panagotacos, chuyên gia da liễu hàng đầu tại San Francisco; GS Kerry và GS Clark, ĐH Y khoa Oregon; GS Bùi Duy Tâm -University of California, San Francisco (UCSF); BS Denial Mitchell, TS Carol… Tất cả đều nhằm mục đích mang đến cho SV những kiến thức y khoa tiên tiến nhất.
Năm 2020, Trường ĐH Phan Châu Trinh có xét tuyển học bạ đối với học sinh học chương trình nước ngoài tại Việt Nam, học sinh là người nước ngoài sẽ căn cứ vào điểm trung bình chung (GPA) của năm cuối cấp. Đối với ngành Y khoa và ngành Răng hàm mặt thì GPA>=2.5 (theo thang điểm 4) hoặc tương đương; các ngành còn lại, GPA >=2.0 (theo thang điểm 4) hoặc tương đương.
Nguồn: www.thanhnien.vn
Thí sinh đã đăng ký hãy đăng nhập ở đây để tra cứu.