Ngày 5/7/2025, tại Bệnh viện mô phỏng Kỹ năng tiền lâm sàng – Trường Đại học Phan Châu Trinh đã diễn ra khóa đào tạo y khoa liên tục (CME) với chủ đề “Cập nhật và thực hành mô phỏng xử trí sốc phản vệ trong lâm sàng”. Khóa học thu hút gần 20 học viên là giảng viên, bác sĩ, nhân viên y tế thuộc hệ thống Viện – Trường Đại học Y khoa Phan Châu Trinh tham gia.
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng cấp tính nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng trong thời gian rất ngắn nếu không được xử trí kịp thời. Biểu hiện thường gặp bao gồm tụt huyết áp, suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở, hoặc suy đa cơ quan. Điều đáng lo ngại là sốc phản vệ có thể xảy ra ngay trong môi trường y tế, như sau tiêm thuốc, vaccine, truyền dịch, thậm chí do thực phẩm hoặc côn trùng đốt.
Các giảng viên thực hành tại Bệnh viện mô phỏng của trường
Mặc dù các hướng dẫn xử trí sốc phản vệ đã được ban hành rõ ràng từ Bộ Y tế và các tổ chức y khoa quốc tế, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn không ít nhân viên y tế lúng túng trong nhận diện và xử trí kịp thời, đặc biệt trong “thời gian vàng” – giai đoạn quyết định khả năng cứu sống bệnh nhân.
Khóa học được dẫn dắt bởi BS.CK1 Nguyễn Kim Duy – Trưởng khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Đại học Y khoa Phan Châu Trinh, với chương trình đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành mô phỏng trên mô hình hiện đại. Qua đó, học viên được nâng cao năng lực nhận diện dấu hiệu sốc phản vệ, phản ứng nhanh chóng và chính xác theo đúng phác đồ điều trị, giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng và tử vong.
Môi trường giả lập giúp học viên rèn luyện kỹ năng lâm sàng một cách an toàn, hiệu quả và sát với thực tế. Đồng thời, khóa học còn góp phần nâng cao sự tự tin và chủ động trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp thường gặp trong thực hành y khoa hàng ngày.
Khóa đào tạo là một trong nhiều hoạt động chuyên môn do Bệnh viện mô phỏng Kỹ năng tiền lâm sàng tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, khám chữa bệnh, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe an toàn và hiệu quả hơn cho cộng đồng.