Tác giả:Alexander(Sasha)Poltorak Giáo sư Miễn dịch học, Đại học Tufts
Hầu hết mọi người đều biết rằng xét nghiệm tìm kháng thể trong máu của một người có thể cho biết liệu họ đã mắc một bệnh cụ thể nào đó hay không, chẳng hạn như COVID-19. Những kháng thể đó giúp bảo vệ họ khỏi nhiễm bệnh lần nữa.
Nhưng trong một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Y học New England, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức độ kháng thể ở những người đã khỏi bệnh COVID-19, giảm một nửa sau mỗi 36 ngày. Điều đó có nghĩa là những người đã khỏi bệnh COVID-19 bị mất khả năng miễn dịch?
Tôi là một nhà di truyền học quan tâm đến phản ứng miễn dịch bẩm sinh, một phần của hệ thống miễn dịch mà chúng ta có được khi sinh ra và cách mà các tế bào miễn dịch bẩm sinh “giáo dục” các tế bào sản xuất kháng thể chống mầm bệnh cũng như cách xác định và tiêu diệt nó. Như tôi sẽ giải thích, kháng thể rất quan trọng đối với khả năng miễn dịch, nhưng chúng không phải là yếu tố đánh giá duy nhất.
Thành phần của hệ thống miễn dịch
Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ hai phần: miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng - hay còn gọi là miễn dịch mắc phải.
Hệ thống miễn dịch bẩm sinh, bao gồm các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào đuôi gai, bạch cầu đơn nhân và bạch cầu trung tính, có mặt ngay từ khi mới sinh và phản ứng ngay lập tức với những mầm bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể. Nhóm tế bào bạch cầu này bắn phá mầm bệnh bằng cách phá hủy và nuốt chửng, tiêu diệt virus và vi khuẩn, mầm bệnh đó. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh cung cấp phản ứng tức thời với mầm bệnh. Vấn đề là miễn dịch bẩm sinh là một công cụ (cùn) không chọn lọc - nó phản ứng theo cùng một cách đối với tất cả các mối đe dọa được phát hiện tức thời.
Hệ thống miễn dịch thích ứng, được tạo thành từ các tế bào B và tế bào T, phải tìm hiểu về mầm bệnh và các đặc điểm của nó từ các tế bào miễn dịch bẩm sinh. Hệ thống này mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu hoạt động, nhưng mặt tích cực là nó rất cụ thể đối với từng mầm bệnh và trong nhiều trường hợp tồn tại suốt đời.
Bộ nhớ của hệ thống miễn dịch
Quá trình tiếp xúc với mầm bệnh được mang trong tế bào T và tế bào B. Khi mầm bệnh bị đánh bại và biến mất, các tế bào này sẽ cư trú trong các mô ngoại vi của cơ thể như hạch bạch huyết hoặc lá lách và đóng vai trò như một bộ nhớ về vi rút gây bệnh. Bộ nhớ miễn dịch này chịu trách nhiệm bảo vệ vật chủ và bắt đầu hoạt động trong trường hợp có cuộc tấn công của mầm bệnh lần sau.
Mức độ kháng thể giảm sau khi một người đã khỏi bệnh là điều bình thường. Nhưng bài báo của Tạp chí Y học New England đã đưa ra những lo ngại vì thấy rằng chúng ta đang mất “trí nhớ” miễn dịch - điều này cũng tồi tệ như mất trí nhớ thực sự.
Basophils, Neurophils, Eosinophils và Monocytes (trái) tạo nên hệ thống miễn dịch bẩm sinh.
Tế bào B và tế bào T là một phần của hệ thống miễn dịch thích ứng
Tế bào T có vai trò gì trong miễn dịch?
Tế bào B và kháng thể chỉ là một phần của phản ứng miễn dịch. Tế bào T giúp tế bào B sản xuất kháng thể - là những protein có thể liên kết với một mầm bệnh cụ thể và tiêu diệt nó.
Khi đầu tiên các tế bào B bắt và tiêu hủy virus và bắt đầu sản xuất kháng thể.
Tế bào T không thể bắt virus. Nhưng một loại tế bào bạch cầu được gọi là tế bào trình diện kháng nguyên, được gọi là tế bào NK (natural killer cell) thì có thể. Sau khi thực hiện, nó "hiển thị" các phần khác nhau của virus cho các tế bào T. Sau đó, các tế bào T tìm hiểu về loại virus mà chúng có thể tìm kiếm và tiêu diệt.
Tế bào T cũng dính vào tế bào B và gửi cho chúng các tín hiệu kích hoạt giúp tế bào B tăng cường sản xuất kháng thể.
Nếu kháng thể suy giảm, điều này có ý nghĩa gì đối với khả năng miễn dịch COVID-19?
Nó cho thấy rằng khi có ít kháng thể hơn trong máu, có nhiều khả năng một số siêu vi riêng lẻ, được gọi là virion (hạt virus) sẽ sống sót và thoát khỏi sự tiêu diệt. Do đó, các virion còn lại này sẽ tiếp tục sinh sôi và gây bệnh.
Mức độ kháng thể giảm có ý nghĩa gì đối với việc thiết lập nhóm có khả năng miễn dịch
Nhóm miễn dịch đề cập đến là một quần thể với số lượng lớn có khả năng miễn dịch công đồng với virus và không có khả năng truyền virus. Điều đó giúp bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương. Ví dụ: nếu 60% người được bảo vệ chống lại COVID – 19 nghĩa là họ đã sống sót sau nhiễm trùng và mang kháng thể (miễn dịch cộng đông ) - thì 40% còn lại có thể được bảo vệ (do tiếp xúc ít thường xuyên hơn với nguồn lây).
Nhưng kết quả trên Tạp chí Y học New England cho thấy những người có lượng kháng thể thấp vẫn có thể nhiễm virus và có thể không có các triệu chứng của bệnh. Điều đó có nghĩa là những người này có thể truyền virus cho những người khỏe mạnh xung quanh họ.
Khi mức độ kháng thể giảm, khả năng miễn dịch biến mất?
Nói chung, câu trả lời là không. Nếu virus cố gắng gây ra lần lây nhiễm thứ hai, các tế bào nhớ B và T có thể nhận ra nó, nhân lên hàng triệu lần để chống lại virus bảo vệ cơ thể, ngăn không cho nó kích hoạt một đợt lây nhiễm toàn diện khác.
Sự bảo vệ được cung cấp bởi các tế bào nhớ T và B là lý giải cho biện pháp bảo vệ dựa trên vắc-xin chủ động.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Vắc xin chống lại bệnh cúm không có tác dụng suốt đời vì mã di truyền của bệnh cúm thay đổi nhanh chóng, làm thay đổi sự xuất hiện của bệnh cúm và do đó mỗi mùa cần phải có một loại vắc xin mới.
Nhưng với SARS-CoV-2, vấn đề như tôi thấy, dường như các bộ nhớ của tế bào T và B bị xóa sổ.
Kháng thể là các protein chỉ tồn tại trong máu khoảng từ ba đến bốn tuần. Để giữ mức kháng thể cao, tế bào B cần bổ sung nguồn cung cấp mới cho chúng. Nhưng trong COVID-19, mức độ kháng thể giảm cho thấy rằng các tế bào tạo ra các kháng thể này không có đủ số lượng, điều này sẽ giải thích cho việc giảm mức độ kháng thể. Các nghiên cứu về khả năng miễn dịch kéo dài được bao lâu sau khi khỏi bệnh COVID-19 cần làm sáng tỏ hơn, hiện tại chúng ta chưa biết lý do tại sao.
Đà Nẵng, ngày 18/05/2021
Lược dịch
Bác sỹ Võ Văn Thu
CEO Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng