Tuổi tác 'vắt kiệt' cơ thể thế nào?
Quá trình lão hoá của cơ thể không diễn ra đồng nhất trên tất cả bộ phận, mà mỗi cơ quan bị tuổi tác "vắt kiệt" theo những cách khác nhau.
Kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tuổi thọ bình quân của người Việt là 74,7, tăng 9 tuổi so với năm 1993. Tuy nhiên, số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 65,4 tuổi, theo số liệu năm 2021. Tức là, người Việt có hơn 9 năm cuối đời phải sống chung với bệnh tật.
Thực tế, dù chưa bước vào ngưỡng già, cơ thể đã bắt đầu quá trình lão hoá. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Stanford (Mỹ) và Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) công bố năm 2024 trên tạp chí Nature, cơ thể già đi đáng kể ở độ tuổi 44 và 60. Kết quả dựa trên phân tích quá trình lão hoá của 108 người độ tuổi từ 25 đến 75 trong hai năm. Do đó, nhiều người cảm thấy “già đi đột ngột”, bởi tốc độ lão hoá tăng tốc sau mốc 44 và 60 tuổi.
Nhiều nghiên cứu trước đây trên thế giới cũng cho thấy, các bộ phận cơ thể không lão hoá cùng tốc độ. Qua một số mốc tuổi, các cơ quan yếu dần dẫn đến suy giảm chức năng, ảnh hưởng sức khoẻ.
Từ khoảng 18 tuổi, collagen bền vững và elastin đàn hồi trong da bắt đầu suy giảm, dẫn đến các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn và chảy xệ. Da mỏng đi, giảm tiết dầu và giảm khả năng tái tạo tế bào. Các mô liên kết cũng mất linh hoạt.
Biểu hiện: Da khô, bắt đầu có nếp nhăn, dễ bị tổn thương và khó lành khi bị trầy xước hay chấn thương. Người cao tuổi dễ bị loét da do nằm lâu và dễ bị nhiễm trùng.
Lời khuyên: Hạn chế hút thuốc, sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi lão hóa sớm.
Khối lượng và sức mạnh cơ bắp suy giảm dần sau tuổi 40. Khi cơ bắp lão hóa, chúng bắt đầu co lại và mất khối lượng. Đến tuổi 60, sức mạnh cơ ngày càng giảm, làm cho cơ bắp kém linh hoạt hơn.
Lời khuyên: Tập thể dục thường xuyên giúp làm chậm sự mất cơ và duy trì sức mạnh cơ.
Khối lượng xương giảm với tốc độ lên đến 1% mỗi năm sau tuổi 35. Với phụ nữ, quá trình này diễn ra nhanh hơn sau mãn kinh. Hàm lượng khoáng chất trong xương giảm dần theo thời gian, khiến xương trở nên ít đặc và dễ gãy hơn, nguy cơ loãng xương cao hơn.
Biểu hiện: Đau nhức cơ và khớp, yếu cơ, cứng khớp, giảm khả năng vận động, dễ gãy xương khi té ngã, đặc biệt là xương hông và cột sống. Thời gian phục hồi sau gãy xương kéo dài và thường gây đau đớn.
Lời khuyên: Các bài tập chịu trọng lượng như nâng tạ, nhảy dây, leo cầu thang… giúp giảm tình trạng này, tăng cường cơ đùi trước giúp giảm đau do thoái hóa khớp gối.
Ở tuổi 40, mắt bắt đầu mất khả năng lấy nét. Thuỷ tinh thể mất tính đàn hồi, giảm chất lượng võng mạc, tăng nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
Biểu hiện: Giảm khả năng nhìn rõ, đặc biệt là khi đọc gần hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu. Thị lực suy giảm ảnh hưởng đến an toàn trong sinh hoạt hàng ngày, dễ té ngã.
Lời khuyên: Kính chống tia UV và bổ sung vitamin C, beta-carotene có thể giảm nguy cơ đục thủy tinh thể.
Ở tuổi 60, giảm thính lực trở nên rõ rệt hơn do mất dần các tế bào lông ở tai trong, đặc biệt là âm thanh tần số cao. Cứ ba người trong độ tuổi 65 - 74 thì một người bị suy giảm thính lực nghiêm trọng.
Biểu hiện: Khó nghe trong môi trường ồn ào, dễ cảm thấy cô lập và khó khăn trong giao tiếp, ảnh hưởng tâm lý và có thể gây trầm cảm.
Lời khuyên: Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn lớn.
Vị giác và khứu giác suy giảm từ tuổi 70 do giảm số lượng các gai vị giác và tế bào cảm nhận mùi.
Biểu hiện: Giảm cảm giác thèm ăn, chán ăn, dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng và giảm cân không mong muốn.
Hệ tim mạch: Từ tuổi 65, các tế bào cơ tim thu nhỏ trong khi thành tim dày lên, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. Khả năng hiếu khí - sử dụng oxy để cung cấp năng lượng cho các hoạt động kéo dài (như chạy bộ, bơi lội…) - giảm khoảng 10% mỗi thập kỷ. Mạch máu mất tính đàn hồi và xơ cứng, dẫn đến tăng huyết áp và giảm lưu lượng máu. Nguy cơ bệnh tim tăng đáng kể.
Biểu hiện: Mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, đau thắt ngực, suy tim, huyết áp cao và nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Triệu chứng thường nặng hơn khi hoạt động hoặc ở trạng thái căng thẳng.
Lời khuyên: Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ăn thực phẩm giàu chất xơ, giảm tiêu thụ chất béo có hại.
Hệ hô hấp: Chức năng phổi bắt đầu giảm khoảng 1% mỗi năm sau tuổi 30. Những người hút thuốc hoặc tiếp xúc với các chất ô nhiễm sẽ bị suy giảm nhanh hơn. Mô phổi mất tính đàn hồi, giảm khả năng giãn nở, các cơ hô hấp yếu hơn. Đường thở dễ bị xẹp, làm giảm khả năng trao đổi khí.
Biểu hiện: Khó thở, đặc biệt khi vận động, ho mãn tính, dễ bị nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi. Người cao tuổi có khả năng phục hồi sau nhiễm trùng hô hấp kém hơn, dễ dẫn đến viêm phổi mạn tính hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Hệ tiêu hóa: Tiết acid dạ dày và enzyme tiêu hóa giảm, làm suy giảm quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Cơ ruột cũng giảm khả năng co bóp. Sau tuổi 50, dạ dày sản xuất ít axit hơn, gây khó khăn trong việc hấp thụ vitamin B12.
Từ tuổi 60, các nhung mao ruột bị phẳng dần theo tuổi, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng.
Hệ tiết niệu: Từ tuổi 50, thận giảm số lượng nephron và khả năng lọc máu, giảm khả năng duy trì cân bằng nước và điện giải. Bàng quang mất tính đàn hồi và giảm sức chứa.
Biểu hiện: Tiểu đêm nhiều lần, tiểu không kiểm soát, khó tiểu, có thể gây mất ngủ, mệt mỏi vào ban ngày. Chức năng thận suy giảm còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp và bệnh thận mạn tính.
Lời khuyên: Uống đủ nước và tránh mất nước có thể giúp bảo vệ thận.
Hệ thần kinh: Sau tuổi 70, các thay đổi liên quan đến não rõ ràng hơn. Số lượng tế bào thần kinh giảm, đặc biệt ở vùng não liên quan đến trí nhớ. Dẫn truyền thần kinh chậm hơn và khả năng tái tạo tế bào thần kinh kém đi.
Biểu hiện: Suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, phản xạ chậm, dễ mất thăng bằng, tăng nguy cơ té ngã. Các bệnh lý thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson cũng dễ xuất hiện ở người cao tuổi.
Lời khuyên: Vitamin B và hoạt động thể chất có thể giúp giảm nguy cơ mắc Alzheimer.
Hệ miễn dịch: Từ tuổi 60, suy giảm chức năng của tế bào miễn dịch, giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.
Chiều cao giảm trung bình 1 cm mỗi 10 năm sau tuổi 40, tổng cộng có thể giảm từ 2,5 đến 3,6 cm.
Chỉ số già hoá của Việt Nam liên tục tăng và hiện lên đến 60%, tức cứ 10 người dưới 15 tuổi thì có 6 người từ 60 tuổi trở lên, theo Tổng cục Thống kê.
Áp lực chuẩn bị cho "tuổi già" sẽ tăng nhanh trong những năm tới, bởi Việt Nam đang trong quá trình già hóa và dự kiến chuyển thành nước già vào năm 2036, khi tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm trên 14% dân số. Tiến trình này của Việt Nam kéo dài 17 năm, là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Sức khỏe yếu, trong khi thu nhập thấp và chi phí y tế ngày một tăng đang là thách thức lớn cho quá trình già hóa dân số tại Việt Nam.
Bài 2: Già không điểm tựa
Nội dung: Lê Phương
Đồ họa: Khánh Hoàng - Thanh Hạ
Nguồn:
- PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa, Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trưởng Khoa Tim mạch cấp cứu và Can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất
- Nghiên cứu Stretch your timeline của tác giả Mandy Oaklander, xuất bản năm 2015
- Nghiên cứu Aging of the Immune System của tác giả Cornelia M Weyand và Jörg J Goronzy, Department of Medicine, Stanford University Medical School, xuất bản năm 2016
- Nội dung được tham khảo từ: https://vnexpress.net/tuoi-tac-vat-kiet-co-the-the-nao-4837117.html