Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

ChatGPT đứng trước nhiều thách thức

Chỉ sau vài tháng ra mắt, ChatGPT (Chat Generative Pre-trained Transformer)-ứng dụng chat sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển bởi OpenAI, đã trở thành hiện tượng toàn cầu khi chạm mốc 100 triệu người dùng và xấp xỉ 13 triệu người truy cập hàng ngày, bỏ xa TikTok, Instagram hay Google Translate trước đó.

Capture

Sau giai đoạn phát triển thần tốc, ChatGPT phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày một khốc liệt từ các đối thủ, cùng sự hoài nghi, phản đối của các chính phủ và không ít người dùng. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, tốc độ phát triển kỷ lục này đặt ra nhiều thách thức cho nhà phát triển của ứng dụng khi vừa phải đáp ứng sự kỳ vọng ngày càng lớn của người dùng, vừa chịu sự cạnh tranh với các đối thủ đang tăng tốc, lại phải cố gắng vượt qua những phản đối từ các cộng đồng bị AI đe dọa và rào cản pháp lý từ chính phủ.

“Khơi mào” cuộc đua

Không chỉ trong giới công nghệ, hàng triệu người vẫn đang trong cơn hào hứng với công cụ AI thông minh nhất hiện nay, sử dụng công cụ này để trò chuyện, làm thơ, viết code, viết báo, thậm chí là tư vấn tâm lý. Các tòa soạn, công ty truyền thông và tất nhiên, nhiều doanh nghiệp không bỏ qua xu hướng này, bởi ứng dụng AI có thể giúp họ cắt giảm chi phí nhân sự trong tương lai.

Tuy nhiên, sự chú ý đặc biệt ChatGPT nhận được chắc chắn làm cho nhiều đối thủ không vui. Không sai nếu nói rằng ứng dụng này đã “khơi mào” cuộc chạy đua lớn, với thêm nhiều nhà đầu tư muốn bắt đợt sóng bùng nổ tiếp theo của AI.

Ông lớn Google đã phát đi “báo động đỏ” với toàn thể nhân viên trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, đồng thời rà soát lại hàng tá các sản phẩm AI đang được phát triển. Alphabet, công ty mẹ của Google, đang thực hiện dự án có tên là “Atlas” và cho nhân viên thử nghiệm chatbot mới mang tên “Apprentice Bard” được CEO Sundar Pichai tự tin khẳng định về khả năng “tương tác trực tiếp” đầy triển vọng.

Về phần mình, Meta cũng đang tích cực đầu tư vào nghiên cứu AI. Gần đây, công ty mẹ của Facebook, Instagram và Snapchat đã cho ra mắt hai chatbot AI là BlenderBot 3 và dự án Galactica. Tuy chưa đạt được nhiều thành công tức thì, song các dự án này cũng cho thấy tham vọng của họ trong lĩnh vực AI.

Sự chú ý đặc biệt mà ChatGPT nhận được chắc chắn làm cho nhiều đối thủ không vui. Không sai nếu nói rằng ứng dụng này đã “khơi mào” cuộc chạy đua lớn, với thêm nhiều nhà đầu tư muốn bắt đợt sóng bùng nổ tiếp theo của AI.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia công nghệ, bao gồm ông Yann LeCun, đồng sáng lập phòng thí nghiệm AI và giám đốc nghiên cứu AI của Meta, chỉ ra rằng công nghệ của ChatGPT không mang đến đột phá, đặc biệt là với “người trong nghề”. Dù ChatGPT được Microsoft “chống lưng” với bản hợp đồng 10 tỷ USD, song với nền tảng công nghệ, tiềm lực tài chính không hề kém cạnh và lượng dữ liệu hành vi người dùng khổng lồ, Google và Meta hoàn toàn có thể mang lại bất ngờ.

Bên cạnh đó, Anthropic, một công ty AI được thành lập bởi các cựu nhân viên OpenAI, được cho là đang đàm phán để huy động 300 triệu USD tài trợ mới. Ở bên kia bán cầu, cuộc đua cũng đang nóng lên khi Baidu, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, đang chuẩn bị giới thiệu chatbot tương tự ChatGPT vào tháng Ba.

Từ bất ngờ tới lo sợ

Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Thời gian đầu, ChatGPT từng được nhiều người tung hô khi có thể viết một bài báo hoàn chỉnh trong vài giây, vượt qua bài thi Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) của trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) danh tiếng hay đỗ phỏng vấn kỹ sư phần mềm của Google.

Tuy nhiên, ngay lập tức công cụ này đã vấp phải sự phản đối từ nhiều cộng đồng, bao gồm giới học thuật và cả những người có thể bị mất việc vì AI. Giống như DALL·E 2 trước đó bị giới nghệ thuật phê phán và phản đối, ChatGPT trở thành nỗi lo ngại của giới học giả. Tạp chí khoa học nổi tiếng Nature (Đức) và Science (Mỹ) đã cập nhật chính sách, cấm các tác giả sử dụng đoạn văn, biểu đồ, hình ảnh là sản phẩm của AI nói chung và ChatGPT nói riêng.

Nhiều trường học tại Mỹ đã cấm sử dụng chatbot này do lo ngại về gian lận và ảnh hưởng tiêu cực tới “các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề”. Thêm vào đó, các câu trả lời do ChatGPT đưa ra, dù được ứng dụng này coi là phù hợp nhất, song không phải lúc nào cũng chính xác do thiếu nguồn tin kiểm chứng.

chatgpt-220230228112403

Nhiều trường học tại Mỹ đã cấm học sinh sử dụng ChatGPT trong quá trình học tập. (Nguồn: AP)

Cuối cùng, cũng như bất kỳ sản phẩm công nghệ mới nổi nào, ChatGPT đối mặt nhiều rào cản từ các chính phủ liên quan tới nội dung công cụ này cung cấp.

Ngoài vấn đề an toàn và quyền riêng tư của người dùng, nguy cơ phụ thuộc thông tin vào tập đoàn lớn, việc ChatGPT bị sử dụng sai mục đích làm dấy lên lo ngại về các vấn đề như xây dựng phần mềm độc hại để lừa đảo, gian lận trong thi cử, hay thông tin sai lệch về chủ đề nhạy cảm như chính trị, tôn giáo hay tình dục.

Liên minh châu Âu (EU) đã có “phát súng mở đầu” khi thông báo sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến AI nhằm giải quyết lo ngại và rủi ro của ChatGPT và bảo đảm người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng vào công nghệ AI. Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã quyết định cấm tất cả các công ty công nghệ trong nước cung cấp công nghệ của chatbot này hoặc dịch vụ liên quan tới người dân.

Gặp khó khăn tại châu Âu và đánh mất thị trường tỷ dân chắc chắn không phải là điều OpenAI muốn thấy. Tuy nhiên, bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ, thái độ phản đối từ một bộ phận người dùng, đây là thực tế mà các nhà phát triển ChatGPT cần chấp nhận, thích ứng để tiếp tục phát triển, giữ vững vị thế đầu tàu trong làn sóng AI với tiềm năng mở ra kỷ nguyên mới cho công nghệ.

Nguồn: https://baoquocte.vn/chatgpt-dung-truoc-nhieu-thach-thuc-218198.html
Báo Quốc tế