Thay vì tranh luận với sinh viên có sử dụng ChatGPT hay không, giảng viên có thể thảo luận để cùng đồng hành hỗ trợ và hướng dẫn người học sử dụng công cụ này theo hướng tích cực...
Đó là quan điểm của PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách Khoa Hà Nội) tại Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 13/2 tại Hà Nội.
Các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”.
PGS.TS Tạ Hải Tùng bày tỏ, ChatGPT là bản Demo cho trí tuệ nhân tạo (AI). Vấn đề đặt ra là cách dùng như thế nào? Sẽ không ai có cảm giác công cụ này đe dọa giáo dục nếu chúng ta tiếp cận theo hướng tích cực và với tâm thế đón nhận cái mới.
Theo PGS.TS. Tạ Hải Tùng, khi đưa công nghệ vào giáo dục, giảng viên, cơ sở giáo dục đại học sẽ hiểu sinh viên hơn. Gần đây, nhiều trường đại học có ý định cấm sinh viên sử dụng ChatGPT. Tuy nhiên, đó là tư tưởng bảo thủ. Thay vì tranh luận với sinh viên có sử dụng ChatGPT hay không, giảng viên có thể thảo luận để cùng đồng hành hỗ trợ và hướng dẫn người học sử dụng ChatGPT theo hướng tích cực.
PGS.TS Tạ Hải Tùng chia sẻ tại Tọa đàm.
Ông Tùng cũng cho rằng, giới công nghệ và người làm khoa học đón nhận sản phẩm ChatGPT rất bình tĩnh.
Khoa học công nghệ nói chung có quá trình phát triển dài và có những công nghệ mới, đến một thời điểm nào đó đủ chín sẽ cho ra đời các sản phẩm.
ChatGPT đơn giản là một mô hình thuật toán, là một công cụ chứ chưa có suy luận, sáng tạo như một con người. Vấn đề đặt ra là cần phải trang bị cách thức sử dụng công cụ AI có trách nhiệm cho người dùng, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
PGS.TS Tùng cho rằng, sản phẩm ChatGPT có cái hay là đến thẳng với đại chúng. Chính vì vậy, mọi người khá bất ngờ vì thấy ChatGPT kỳ diệu đến như vậy, còn những người làm khoa học lại cảm thấy bình thường.
Ông Tùng nhấn mạnh: “Có lẽ chúng ta nên coi nó như một thành tựu lần đầu tiên đại chúng được trải nghiệm và thấy được năng lực của trí tuệ nhân tạo không quá xa xôi, nhưng không nên quá kỳ vọng nó tạo ra thứ thay thế con người trong một sớm một chiều”.
Trong khi đó, với chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất, ChatGPT đang là trợ thủ của ông. Ông Nhất khẳng định, với dữ liệu khổng lồ, ChatGPT là người trợ lý rất đắc lực cho học sinh cũng như giáo viên.
TS. Lê Thống Nhất đặt vấn đề: “Tại một số quốc gia, họ sử dụng ChatGPT để có tư liệu cho giảng dạy, học tập. Vì thế, chúng ta không nên cấm sử dụng ChatGPT, tuy nhiên, để sử dụng như thế nào là một vấn đề lớn”.
TS. Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập FUNiX ví von ChatGPT như... "nguồn nước mát, như cơn mưa rào". Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tự học. Do đó, nếu khai thác tốt, ChatGPT có thể giúp chúng ta thực hiện mục tiêu này.
Theo ông Nguyễn Thành Nam, ChatGPT có thể làm cho giáo dục tốt lên nên chúng ta cần nhìn nhận theo hướng tích cực, để ứng dụng này có thể phục vụ đắc lực cho công việc của mình.
Trong khi đó, ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho hay, ChatGPT là sự thú vị nhiều... cám dỗ, biểu hiện thành công của một xu hướng công nghệ AI trên toàn cầu. Đây là sự khuyến khích để các công nghệ khác được xã hội hóa.
Ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam.
“Sản phẩm ChatGPT là động lực để chúng ta đầu tư vào công nghệ, hỗ trợ cho ngành giáo dục-đào tạo, đồng thời, nhìn nhận làm chủ công nghệ mới ra sao, xác định những thách thức dù là thách thức đó mang tính tích cực trong dạy học hay thách thức tiêu cực cần hạn chế”, ông Phùng Việt Thắng nói.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội coi ChatGPT như một cơ hội. Phần mềm ứng dụng này cũng là cơ hội giải phóng giáo viên khi phải thực hiện những công việc lặp lại, tập trung thay đổi dạy học từ nội dung sang năng lực.
PGS. TS. Trần Thành Nam.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để giáo dục chuyển đổi số. Để làm được điều đó, thầy cô giáo cần chuyển đổi phương pháp dạy học, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên.
Theo ông Nam, đây cũng là cơ hội để học sinh thúc đẩy việc học theo hướng cá nhân hoá. Việc khuyến khích sử dụng ChatGPT một cách khôn ngoan cũng như hình thành năng lực số, tận dụng công cụ số là cách để giáo viên, học sinh, sinh viên phát triển bản thân, phục vụ việc học và phát triển nghề nghiệp.
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, nhiệm vụ của ngành giáo dục không chỉ chia sẻ thông tin mà còn chia sẻ kiến thức, tri thức để làm giàu cho người dân và xã hội.
Với ngành giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay, đó câu chuyện về dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ hội lớn và chúng ta cần có những chính sách kịp thời.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, sẽ còn nhiều sự thay đổi và tiến bộ. Xã hội cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này và tâm thế đón nhận.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (trái) chia sẻ tại Tọa đàm.
“Cách tốt nhất để hiểu chính là sử dụng nó. Hãy cảm nhận, trải nghiệm để hiểu hơn”, Thứ trưởng nói. Các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, trải nghiệm, sẽ thảo luận và làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT cũng như các công nghệ khác mang lại. Từ đó, cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra những chính sách kịp thời. Công nghệ giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc tay chân, đồng thời, giúp tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng và bình đẳng trong giáo dục.
Ông Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề, điều quan trọng là làm sao để hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào công nghệ và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, đồng thời giảm chi phí để người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt.
Nguồn: https://baoquocte.vn/con-sot-chatgpt-can-trang-bi-cho-nguoi-dung-cach-thuc-su-dung-cong-cu-ai-co-trach-nhiem-216515.html