Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

Liên hệ tuyển sinh

Gửi email cho chúng tôi:
Gọi hoặc Zalo cho chúng tôi:
Gửi hồ sơ về:
09 Nguyễn Gia Thiều, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Theo dõi chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội để không bỏ lỡ thông tin quan trọng về đăng ký, học bổng, cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng trong các hoạt động của chúng tôi.

Cần phải có những nghiên cứu suốt đời trên những trẻ sinh ra từ những bà mẹ đã nhiễm Covid 19

Tác giả: John McCarthy,BS; Diane Liu, MD; Frederick Kaskel, MD,PhD.

Trong số các đại dịch mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ 20, không có trường hợp nào nghiêm trọng hơn cúm A/PR/8/34 (H1N1) bùng phát năm1918, cái gọi là bệnh cúm Tây Ban Nha. Nổi lên trong Thế chiến thứ nhất, đại dịch này ước tính đã lây nhiễm gần 1/3 toàn cầu dân số và giết chết khoảng 50 triệu người, trong đó có 675.000 người ở Mỹ. Mặc dù đại dịch chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng một số người đã phải chịu những ảnh hưởng nhất định. Phụ nữ bị nhiễm cúm khi mang thai sinh con có tỷ lệ mắc bệnh tim, bệnh thận và bệnh tiểu đường cao hơn trong suốt cuộc đời (1). Ý nghĩa của những phát hiện như vậy vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay, vì chủng coronavirus SARS-CoV-2 mới đã lan rộng khắp thế giới. Với những tác động được quan sát thấy trong đại dịch năm 1918 và những kết quả sinh nở được báo cáo liên quan đến nhiễm COVID-19 ở mẹ, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng các bài học và dịch tễ học của đại dịch năm 1918 để thông báo thực hành và theo dõi những khả năng bệnh có ảnh hưởng sức khỏe lâu dài khi trẻ có mẹ bị nhiễm Covid-19.

Bệnh cúm năm 1918 là bất thường với sức tàn phá mạnh mẽ đã ảnh hưởng đến người trẻ, tuy nhiên các nhóm dân số khác cũng không bị “bỏ qua”, kể cả thai nhi trong tử cung. Tỉ lệ sinh giảm cùng với tỷ lệ thai chết lưu tăng lên, nhưng mang thai cho đến khi đủ tháng rồi sinh vẫn không đảm bảo rằng trẻ sinh ra tránh được ảnh hưởng của bệnh cúm. Tỷ lệ dị tật bẩm sinh và sinh non tăng trong tất cả các đợt đại dịch, góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong sơ sinh trong đợt dịch mùa xuân năm 1919 (2). Sinh non do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan, như là bệnh thận hoặc bệnh tim, xuất hiện sau này trong cuộc đời (3) (4), kết hợp với những nguy cơ khác có liên quan đến việc phơi nhiễm trong tử cung khi mẹ bị nhiễm bệnh.

Giống như bệnh cúm năm 1918, nhiễm COVID-19 ở người mẹ trong thời kỳ mang thai có liên quan đến việc tăng nguy cơ biến chứng trong thời kỳ sơ sinh và chu sinh. Đáng chú ý, tỷ lệ sinh non ở các bà mẹ bị nhiễm COVID-19 đã được quan sát thấy là tăng đáng kể so với  trước khi mắc COVID-19 và tỷ lệ sinh nhẹ cân ở trẻ của những bà mẹ bị nhiễm COVID-19 cũng đã được quan sát (5), mặc dù có rất ít bằng chứng chứng minh rằng trẻ sơ sinh có nguy cơ bị tác hại trực tiếp thông qua các quá trình như lây truyền dọc (6).
Tuy nhiên, những kết quả như vậy có thể mang lại những ảnh hưởng lâu dài ngay cả khi không có nhiễm trùng sơ sinh trực tiếp. Giả thuyết Barker giả định rằng sự gián đoạn trong sự phát triển bình thường trong tử cung có thể có những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài đặc thù đối với các hệ cơ quan đang phát triển tại thời điểm đó (3).Ví dụ, tim phát triển trong ba tháng đầu và như vậy, con của các bà mẹ bị nhiễm một bệnh nào đó trong thời gian này có thể có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn sau này trong cuộc sống. Ngược lại, con của các bà mẹ bị nhiễm một bệnh nào đó trong ba tháng cuối- khi thận vẫn đang trưởng thành dần- thì có thể tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính và số lượng nephron thấp hơn. Nguy cơ đối với thận lại bị chồng chất thêm bởi người ta quan sát thấy có tỷ lệ sinh non cao hơn, bởi vì sự trưởng thành sau khi sinh không bù đắp được thời gian thai nghén đã mất, làm tăng nguy cơ bị các biến chứng thận về sau, ví dụ như tăng huyết áp và bệnh thận mãn tính (3), (4). Có một nhiều cơ chế đã được đề xuất để giải thích cho sự gián đoạn phát triển này, bao gồm giảm cung cấp cả đại chất và vi chất dinh dưỡng trong lúc mẹ bị nhiễm trùng; tăng tiết cytokine và tăng glucocorticoid để đáp ứng lại với nhiễm trùng ở mẹ (4).
 Khả năng dẫn đến các kết quả xấu về sau cho trẻ không phải chỉ là lý thuyết. Trong một nghiên cứu suốt cuộc đời trên những người từng phơi nhiễm với bệnh cúm khi còn trong bụng mẹ trong đại dịch năm 1918, Garthwaite (1) nhận thấy sự gia tăng đáng kể bệnh tim, tiểu đường và bệnh thận so với dân số chung. Trong một nghiên cứu tương tự, Almond và Mazumder (7) chứng kiến ​​sự gia tăng tương tự về kết quả sức khỏe xấu, bao gồm cả sự gia tăng đáng kể bệnh tim, bệnh thận, bệnh dạ dày và tăng huyết áp, đối với những cá nhân bị phơi nhiễm trong tử cung trong đại dịch năm 1918. Cả hai nghiên cứu đều mô tả một mối liên quan phụ thuộc vào thời gian giữa phơi nhiễm trước sinh và nguy cơ kết quả sức khỏe xấu về sau, với những người sinh vào tháng 5 năm 1919 có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao nhất, các ca sinh ở tháng 11 năm 1918 có tỷ lệ mắc bệnh thận cao nhất và sinh từ tháng 12 năm 1918 đến tháng 5 năm 1919 có tỷ lệ bệnh tim cao nhất (1),(7). Mối quan hệ như vậy phù hợp với những gì có thể được mong đợi từ Giả thuyết Barker- rằng các hệ cơ quan đang trưởng thành vào thời điểm mẹ bị nhiễm trùng sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn về các kết quả có hại sau này trong cuộc sống.
Trong lúc những kết quả sinh nở phải đối mặt với nguy cơ gia tăng do nhiễm COVID-19 ở mẹ, các kết luận rút ra từ các nghiên cứu suốt đời của Garthwaite (1) và Almond và Mazumder (7) từ đại dịch năm 1918 gợi ý rằng nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 trong tử cung có thể sẽ có những ảnh hưởng suốt đời. Do đó, một nghiên cứu suốt cuộc đời về nhóm dân số này sẽ cung cấp cơ hội thu thập thông tin để cải thiện kết quả về sức khỏe và đóng góp vào sự hiểu biết rộng rãi hơn về những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch. Có nhiều phương pháp luận khác nhau dung để tiến hành các nghiên cứu về suốt đời, bao gồm cả việc thu thập dữ liệu từ những khảo sát quy mô lớn, chẳng hạn như cuộc khảo sát của Viện Y tế quốc gia (NIH-Mỹ) (1). Các cuộc khảo sát có thể thu thập thông tin chính xác về sức khỏe tại một thời điểm nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi sai số thu thập và sai số tự báo cáo (recall and self-reporting biases). Việc theo dõi có tập trung với các kết quả khám sức khỏe được người nghiên cứu kiểm tra định kỳ cho phép đánh giá nhanh hơn, bao gồm mức độ nghiêm trọng và thời gian và thời điểm xảy ra. Theo dõi tiến cứu một nhóm các bà mẹ - trẻ em suốt một thời gian dài sẽ tạo cơ hội để nghiên cứu ảnh hưởng của nhiễm COVID-19 ở người mẹ lên các yếu tố quyết định về mặt sức khỏe, tăng trưởng và phát triển, các cột mốc quan trọng trong đời; và dấu ấn sinh học, chẳng hạn như đường máu, lipid máu, kháng thể virus và các chỉ dấu về viêm. Tuy nhiên, việc theo dõi chuyên sâu như thế là tương đối tốn kém tốn nhiều nguồn lực và dễ bị mất người tham gia theo dõi; nên cần phải có các phương pháp để giảm thiểu những rủi ro như vậy đối với bất kỳ nghiên cứu dài hạn nào. Một số cơ quan đăng ký, chẳng hạn như Cơ quan đăng ký Coronavirus khi mang thai (Pregnancy Coronavirus Outcomes Registry- PRIORITY) và Cơ quan đăng ký từ mẹ đến bé (MothertoBaby Registry), đã nghiên cứu các kết cục ngắn hạn trên những trẻ sinh ra bởi những bà mẹ đã mắc COVID-19, bao gồm cả ảnh hưởng đến việc cho con bú. Đây là nghiên cứu vô giá và tạo ra một bộ khung để các nhà nghiên cứu dựa vào đó mà đề ra những nghiên cứu lâu dài về tác động lên suốt cuộc đời. Tuy nhiên, bất kỳ nghiên cứu dài hạn nào cũng phải đối mặt với những thách thức từ số lượng lớn bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 mà không được phát hiện. Sự hiện diện của những bệnh nhân như vậy phải được xem xét trong việc tuyển dụng các nhóm bệnh nhân. Hơn nữa, vì đại dịch COVID-19 không ảnh hưởng một cách đồng đều nhau đến tất cả các quần thể, nên bất kỳ nghiên cứu nào cũng cần được thực hiện với sự cân nhắc hướng đến những rủi ro sức khỏe cụ thể mà những quần thể này phải đối mặt khi COVID-19 đã phổ biến hơn. 
     Nhiễm COVID-19 ở mẹ đã dẫn đến tỷ lệ cao sinh non và nhẹ cân. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được liệu trẻ em sinh ra từ mẹ bị nhiễm COVID-19 có phải đối mặt với hậu quả sức khỏe xấu về lâu dài hay không. Tỷ lệ các biến chứng chu sinh đã quan sát được, kết hợp với các quan sát từ các nghiên cứu suốt đời trong các trận đại dịch trước đây cho thấy rằng những đứa trẻ này đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe lâu dài và cần được theo dõi sát để phát hiện các dự hậu đó. Sự gia tăng các biến chứng chu sinh, chẳng hạn như sinh non ở trẻ sinh từ mẹ bị nhiễm COVID-19, không chỉ tự nó đặt ra nguy cơ cho các kết quả xấu về lâu dài - đặc biệt đối với các cơ quan trưởng thành muộn, chẳng hạn như thận - mà còn nói lên rằng phơi nhiễm trong tử cung có thể mang lại những vấn đề rộng hơn so với những gì đã thấy rõ ban đầu. Cũng giống như những đứa trẻ được sinh ra trong đại dịch năm 1918 phải đối mặt với những nguy cơ khác nhau về kết quả xấu trong tương lai tùy thuộc vào thời điểm chúng phải đối mặt trong tử cung với đỉnh điểm của đại dịch; thời điểm nhiễm COVID-19 ở mẹ cũng như thế - có thể chỉ ra một nguy cơ cao đối với những dự hậu (xấu) nào đó ở những trẻ này. Do đó, chúng ta nên quan sát những đứa trẻ này để phát hiện sớm các dự hậu xấu về sức khoẻ. Các cơ quan đăng ký như PRIORITY và MotherToBaby đã và đang nghiên cứu các ảnh hưởng ngắn hạn, nhưng các cơ sở dữ liệu quy mô lớn như vậy cũng là cần thiết để khảo sát các ảnh hưởng dài hạn cũng như để xác định xem liệu những trẻ này có phải đối mặt với nguy cơ tương đối cao hơn so với những đứa trẻ được sinh ra cùng thời điểm từ những bà mẹ không bị nhiễm COVID-19 hay không.
 
Tài liệu tham khảo:

1. Garthwaite  C. The effect of in-utero conditions on long term health: evidence from the 1918 Spanish flu pandemic. Accessed May 12, 2021. https://www.kellogg.northwestern.edu/faculty/garthwaite/htm/fetal_stress_garthwaite_053008.pdf

2. Chandra  S, Christensen  J, Mamelund  SE, Paneth  N.  Short-term birth sequelae of the 1918-1920 influenza pandemic in the United States: state-level analysis.   Am J Epidemiol. 2018;187(12):2585-2595. doi:10.1093/aje/kwy153PubMedGoogle ScholarCrossref

3. Luyckx  VA.  Preterm birth and its impact on renal health.   Semin Nephrol. 2017;37(4):311-319. doi:10.1016/j.semnephrol.2017.05.002PubMedGoogle ScholarCrossref

4. Labouesse  MA, Langhans  W, Meyer  U.  Long-term pathological consequences of prenatal infection: beyond brain disorders.   Am J Physiol Regul Integr Comp Physiol. 2015;309(1):R1-R12. doi:10.1152/ajpregu.00087.2015PubMedGoogle ScholarCrossref

5. Woodworth  KR, Olsen  EO, Neelam  V,  et al; CDC COVID-19 Response Pregnancy and Infant Linked Outcomes Team; COVID-19 Pregnancy and Infant Linked Outcomes Team (PILOT).  Birth and infant outcomes following laboratory-confirmed SARS-CoV-2 infection in pregnancy—SET-NET, 16 jurisdictions, March 29-October 14, 2020.   MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2020;69(44):1635-1640. doi:10.15585/mmwr.mm6944e2PubMedGoogle ScholarCrossref

6. Maleki Dana  P, Kolahdooz  F, Sadoughi  F, Moazzami  B, Chaichian  S, Asemi  Z.  COVID-19 and pregnancy: a review of current knowledge.   Infez Med. 2020;28(suppl 1):46-51.PubMedGoogle Scholar

7. Almond  D, Mazumder  B.  The 1918 influenza pandemic and subsequent health outcomes: an analysis of SIPP data.   Am Econ Rev. 2005;95(2):258-262. doi:10.1257/000282805774669943PubMedGoogle ScholarCrossref

Dịch giả: BS. Cầm Thị Chùng*

Hiệu đính: TS.BS. Phan Gia Anh Bảo*

* Bệnh viện Tâm Trí Đà Nẵng