“Dòng thời gian vẫn trôi vào tương lai bất định, vô cùng để lại sau lưng những dĩ vãng, những dấu chân người xưa cũ, những ký ức, những khoảng không gian, thời gian, những âm vang, những ánh hào quang hay một miền tăm tối. Những vết hằng rằn ri, hay mềm mại của những nhân vật, những tên tuổi đã đi qua để lại hạnh phúc êm đềm ấn tượng, hay rục rả khó phai.”
Những câu nói của Bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng như khơi gợi trong mỗi con người một góc khuất trong tâm hồn. Giữa bộn bề lo toan cuộc sống, ta dần mất đi chính bản thân mình, ta dần quên lãng những con người đã có những đóng góp cho văn hóa, nghệ thuật. Bản thân ta chỉ biết nhận mà quên đi rằng, đã có những người nghệ sỹ, những nhà văn hóa, những vị cao nhân đã cống hiến hết sức mình để có những di sản như ngày hôm nay chúng ta đang thừa hưởng.
Ở đại học Phan Châu Trinh, giữa những tòa nhà cao tầng, máy móc hiện đại nhằm phục vụ cho việc đào tạo bác sỹ đa khoa, thì đâu đó, vẫn có 1 không gian riêng, nơi lưu giữ những kí ức. Tại đó, những bản nhạc giao hưởng được cất lên, những tác phẩm văn chương một thời được hiện hữu, nơi của những con người đã dành cả 1 đời của mình để cống hiến cho xã hội. Đó là phòng Di sản – Vâng, đại học Phan Châu Trinh có một nơi như thế…