Từng bảo lưu vì không đủ tiền đóng học phí, Phạm Văn Ước (SN 1994, quê Hà Tĩnh) – cựu sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Phan Châu Trinh nay đã trở thành bác sĩ, công tác tại bệnh viện của trường. Anh chọn ở lại không chỉ để làm nghề, mà còn để, hỗ trợ, truyền lại kinh nghiệm về hành trình theo đuổi chiếc áo blouse trắng của mình cho thế hệ sau.
Tốt nghiệp ngành Điều dưỡng ở một trường đại học tại Đà Nẵng năm 2018, Phạm Văn Ước đi làm vài tháng trước khi quyết định rẽ hướng, theo đuổi giấc mơ làm bác sĩ. Trong quá trình tìm hiểu các trường đại học, anh ấn tượng với đội ngũ ban lãnh đạo Trường ĐH Phan Châu Trinh như BS Nguyễn Hữu Tùng, GS.TS.BS Bùi Duy Tâm và TS.BS Phạm Hùng Vân…
Năm 2018, anh trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường. Khi ấy, cơ sở vật chất còn đơn sơ. “Nhiều người hoài nghi, nhưng tin vào cái tâm, tầm nhìn của người sáng lập, nên tôi nhập học”, Ước nói.
Khi năm học đầu tiên dần kết thúc, Ước lặng lẽ thu dọn sách vở, bảo lưu kết quả học tập vì gặp khó khăn tài chính. Lúc ấy, Ước đã xin việc và chuẩn bị đi làm. Không thấy anh đi học, BS Nguyễn Hữu Tùng – Chủ tịch Hội Đồng trường Trường Đại học Phan Châu Trinh hỏi thăm. Biết chuyện, BS Tùng tài trợ học phí cho anh quay lại giảng đường.
Phạm Văn Ước khi còn là sinh viên Đại học Phan Châu Trinh
Có nền tảng từ ngành điều dưỡng, Phạm Văn Ước nhanh chóng bắt kịp các môn học. Đặc biệt, anh hứng thú với các tiết học GS.TS.BS Bùi Duy Tâm. “Thầy dạy về lâm sàng , chỉ nhiều thứ rất sát với thực tế, lúc đó mình càng tin rằng lựa chọn của mình là đúng đắn”, Ước chia sẻ.
Thấy học trò mê ngoại khoa, thầy Tâm “gửi gắm” Ước vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng. Từ năm 2, anh đã bắt đầu đi phụ mổ. Xuyên suốt các năm học, mỗi dịp lễ hay ngày Tết, Ước đều chọn ở lại bệnh viện, xin đi theo các ca phẫu thuật để học nghề.
Những lần đi phụ mổ, anh xin đảm nhận công việc tiếp dụng cụ. Để chuẩn bị ca mổ, Ước học thuộc các dụng cụ cần thiết và soạn sẵn các dụng cụ mổ. Dần dần, anh tiến lên làm phụ 1 – người hỗ trợ trực tiếp cho phẫu thuật viên chính, từ thao tác kỹ thuật đến tạo phẫu trường. “Trước khi đi lâm sàng, mình thường đọc sách, tìm hiểu những thông tin về ca bệnh rồi quan sát bác sĩ thực hiện để ghi nhớ, về tra lại tài liệu, nếu chưa rõ thì hỏi thầy. Phải làm nhiều mới thành thạo được”, Ước chia sẻ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh là những lần cùng các bác sĩ hồi sức bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở. “Có ca mình tham gia, sau vài phút thì tim họ đập trở lại. Lúc đó mừng không tả được. Nhưng cũng có ca không cứu được, khi bác sĩ thông báo cho gia đình, thấy họ bật khóc, mình cảm thấy xót xa, đồng cảm với nỗi đau của họ. Khi trở về nhà mình trằn trọc cả đêm và tự hỏi vì sao ca bệnh đó lại không thể cứu được”, anh kể.
Các lần đi thực tập, khi tiếp xúc với bệnh nhân, Ước đều tập cách giao tiếp để bệnh nhân đỡ ngại, nhờ đó có thể hỏi thăm bệnh sử, các triệu chứng liên quan để có những chẩn đoán cho riêng mình. Ước sẽ trao đổi lại với giảng viên những chẩn đoán của bản thân, hướng xử lý ca bệnh để được phân tích, đưa ra các lời giải đáp.
Với nền tảng từng học điều dưỡng, anh thấu hiểu sự quan trọng của việc chăm sóc. Khi chuyển sang vai trò bác sĩ điều trị, anh càng trân trọng hơn việc phải giao tiếp tốt, khai thác bệnh sử kỹ càng, để từ đó có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và xử trí phù hợp. “Kỹ năng chuyên môn là quan trọng, nhưng sự đồng cảm với bệnh nhân cũng là điều không thể thiếu của một bác sĩ”, anh nói.
Có người thầy từng dặn anh: “No do harm” – không được làm hại bệnh nhân. Câu nói ấy trở thành nguyên tắc làm nghề xuyên suốt với anh. “Tài sản lớn nhất của bác sĩ là niềm hạnh phúc khi thấy bệnh nhân khỏi bệnh và điều quan trọng nhất, là phải chẩn đoán đúng và điều trị đúng, bằng tất cả cái tâm của mình”, Ước nói.
Phạm Văn Ước (bên phải) hiện đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y khoa Phan Châu Trinh
Sau khi tốt nghiệp, Phạm Văn Ước nhận được vài lời mời làm việc, nhưng anh chọn ở lại Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Phan Châu Trinh. “Tôi muốn làm việc ở một môi trường chỉnh chu, có nền tảng học thuật tốt để mình học tiếp, đồng thời có thể chia sẻ với sinh viên những điều mình từng trải qua”, anh tâm tình.
Tháng 8 tới, Ước hoàn thành chứng chỉ hành nghề. Tương lai sắp tới, anh dự định sẽ tiếp tục học chương trình sau đại học và phát triển sâu hơn trong lĩnh vực ngoại khoa.
Thí sinh đã đăng ký hãy đăng nhập ở đây để tra cứu.