Từng tốt nghiệp ngành Dược học, Nguyễn Thanh Hà (SN 1996, quê xã Đại Lộc, TP Đà Nẵng) quyết định tiếp tục theo học ngành Bác sĩ Đa khoa tại Trường Đại học Phan Châu Trinh (PCTU). Lựa chọn rẽ hướng sang ngành Y mở ra hành trình tìm hiểu chuyên sâu về cơ thể con người và bản chất của việc chữa bệnh.
Nguyễn Thanh Hà vừa tốt nghiệp ngành Bác sĩ Đa khoa tại PCTU vào đầu tháng 7. Để khoác lên mình chiếc áo blouse trắng và trở thành bác sĩ, Hà đã trải qua 11 năm đầy thử thách khi bắt đầu bằng ngành Dược rồi rẽ hướng sang Bác sĩ Đa khoa. Chặng đường ấy đối với Hà không chỉ là hành trình theo đuổi đam mê mà còn là sự tiếp nối giấc mơ còn dang dở của ba – người từng có ước mơ làm bác sĩ nhưng phải tạm gác lại vì chiến tranh.
Cấp 3, Hà ước mơ thi ngành Y nhưng rồi lại chọn Dược học tại trường đại học trong TP. Hồ Chí Minh. Suốt 5 năm học Dược, anh dần nhận ra đam mê thực sự của mình không chỉ nằm ở những công thức hóa học hay viên thuốc, mà còn ở gốc rễ của việc chữa bệnh chính là y học lâm sàng. “Học Dược giống như mình hiểu được phần ngọn của vấn đề nhưng để hiểu sâu hơn vì sao người ta cần uống viên thuốc đó thì chỉ có y học mới giải thích được”, anh Hà chia sẻ.
Khi tốt nghiệp Dược vào năm 2019, tình cờ Hà đọc được thông tin tuyển sinh ngành Y tại PCTU – nơi anh từng biết đến trong một lần về Đà Nẵng chơi và cùng ba lạc đến cổng trường do… xe hết xăng.
“Vừa tốt nghiệp, mình gọi điện hỏi ba: “Ba ơi, con muốn học Y, ba cho con học được không ?”. Ba đồng ý, vì đó từng là ước mơ hồi nhỏ của ba”, Hà tâm sự. Thế rồi, hành trình học Y của Hà bắt đầu chỉ vài tháng sau tốt nghiệp.
Tân Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà trong Lễ tốt nghiệp tại PCTU năm 2025
Những năm tháng học tập tại trường đối với Hà là những kỷ niệm đáng nhớ. PCTU cho Hà cơ hội đi thực tập, tiếp cận với môi trường bệnh viện từ năm nhất để hiểu rõ công việc của người bác sĩ, cảm nhận nỗi đau của bệnh nhân và cảm giác hạnh phúc khi được cứu người.
“Lần đầu thực tập học phần điều dưỡng ở Bệnh viện Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), mình được các anh, chị điều dưỡng hướng dẫn tận tình, cho tụi mình lấy máu, lấy ven, làm đủ thứ. Bệnh nhân cũng thương lắm, có người còn cho cả đồ ăn, địa chỉ nhà để mời đến chơi…”, Hà nhớ lại.
Trong hành trình ấy, Hà nhớ lại lần đầu chứng kiến cái giây phút sinh tử diễn ra ngay trước mắt. Khi thực tập tại khoa Nội của bệnh viện, Hà tận mắt chứng kiến một bệnh nhân không qua khỏi dù bác sĩ đã cố gắng hết sức. “Mình sốc lắm nhưng đó cũng là lúc mình hiểu rằng nghề này không chỉ cần giỏi chuyên môn, mà còn phải vững tâm lý”, Hà chia sẻ.
Những ca trực cứ thế trải dài trong suốt 6 năm. Đã không ít lần anh cùng các bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện đẩy băng ca trong đêm. Người đẩy băng ca, người bóp bóng ambu, người hồi sức tim phổi để giành dật lại bệnh nhân giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Có ca bệnh sáng còn khỏe, tối trở nặng phải chuyển vào khu hồi sức cấp cứu. Những tình huống đó dạy Hà biết thế nào là tinh thần trực chiến 24/24 của bác sĩ hồi sức, là cảm giác lạnh người khi tiếng máy báo hiệu ngừng tim vang lên cũng như niềm vui vỡ òa khi bệnh nhân có dấu hiệu sinh tồn trở lại.
Trái ngược với áp lực trong khoa cấp cứu, Hà xúc động nhớ lại cảm giác lần đầu đỡ sinh. “Bé hồng hào, mọi kiến thức được học trên nhà trường được áp dụng vào thực tế, cảm giác chứng kiến em bé chào đời khó tả lắm. TS.BS Phan Gia Anh Bảo là giảng viên PCTU cũng là bác sĩ hướng dẫn chỉ dạy tận tình, từng quy trình xử lý giúp mình hiểu và làm chủ tình huống”, anh Hà nói.
Nguyễn Thanh Hà trong chuyến thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang.
Từng học Dược khiến Hà có góc nhìn về cả bệnh lý lẫn điều trị. Y học giúp anh hiểu rõ nguyên nhân bệnh, Dược học giúp hiểu thuốc được hấp thu như thế nào, có tác dụng phụ ra sao đối với cơ thể con người để từ đó biết cách phòng ngừa, tư vấn kĩ cho bệnh nhân.
Với Hà, hành trình hơn 1 thập kỷ học tập và thực hành trong môi trường bệnh viện, điều quý giá nhất anh học được không chỉ là kiến thức y khoa mà còn lại thái độ chuẩn mực đối với nghề y. Hà nhớ mãi lời GS.TS.BS Bùi Duy Tâm từng dặn: “Làm nghề y hãy khoan nghĩ tới tiền. Cứ làm hết sức, rồi tiền sẽ tự đến. Nếu làm hết sức bằng cái tâm, người ta sẽ trả thù lao xứng đáng. Mà dù không trả đủ tiền thì mình cũng nhận được sự tôn trọng, niềm tin của bệnh nhân và cảm giác hạnh phúc khi cứu người”.
Nguyễn Thanh Hà (thứ 3 hàng trên tính từ bên phải qua) trong chuyến thực tập tại CDC Đà Năng
ThS.BS Lê Thị Minh Tâm – cố vấn học tập lớp 19YK1 cho biết, Nguyễn Thanh Hà là người ham học hỏi, chịu khó. Hà dành thời gian nghỉ hè, dịp lễ để đăng ký học thực tập thêm tại các bệnh viện. “Hà có nền tảng tiếng Anh tốt cùng 2 bằng đại học là Dược sĩ và Bác sĩ nên có chuyên môn về y học cơ sở, Trường có ngỏ lời mời sinh viên về trợ giảng cho lớp sinh viên Y khoa quốc tế”.
Chia sẻ về dự định của mình, Hà cho biết đã đăng ký thực tập lấy chứng chỉ hành nghề tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng và dự định sẽ quay lại công tác trong hệ thống Viện – Trường Đại học Y khoa Phan Châu Trinh.
Nhắn nhủ đến các bạn sắp và đang theo học ngành Y, Hà cho biết điều quan trọng là phải giữ được sự tự tin và tự trọng với nghề nhưng không tự cao. Bước vô phòng bệnh sẵn sàng chia sẻ, trò truyện để thấu hiểu bệnh nhân. “Người bệnh tin tưởng mình, cho mình cơ hội thực hành, cho mình chích ven, lấy máu. Có nhiều người sẵn lòng giúp đỡ sinh viên thực tập vì tin rằng sau này các sinh viên sẽ trở thành bác sĩ để cứu mình và cứu người – đó là sự ghi nhận bệnh nhân dành cho mình” – Hà chia sẻ.
Thí sinh đã đăng ký hãy đăng nhập ở đây để tra cứu.