Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

Liên hệ tuyển sinh

Gửi email cho chúng tôi:
Gọi hoặc Zalo cho chúng tôi:
Gửi hồ sơ về:
09 Nguyễn Gia Thiều, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Theo dõi chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội để không bỏ lỡ thông tin quan trọng về đăng ký, học bổng, cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng trong các hoạt động của chúng tôi.

Bs. Nguyễn Hữu Tùng: Con đường đi đến Bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng
Chủ tịch  HĐQT Đại học Phan Châu Trinh

Tôi sinh ra tại một làng quê mà ở đó chủ yếu mọi người sống bằng nghề nông nghiệp: trồng lúa và thuốc lá. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, cha mẹ tôi vật lộn cơm áo và sách vở đủ cho 3 người con trai đi đến trường, còn 7 chị em gái theo nghề nông với gia đình. Dù khó khăn như vậy, nhưng khi lớn lên, anh trai tôi mơ làm Bác sĩ. Anh nói: “Anh thích bác sĩ cởi con ngựa đi quanh làng chữa trị cho bà con, lúc ấy anh học lớp 7 còn tôi học lớp 3 trường làng. Một buổi trưa hè, nhìn từ nhà ra đường, thấy một ông cụ đi liêu xiêu, áo quần dính đầy phân tanh thối. Anh tôi phóng xe đạp ra và đưa ông cụ xuống đường lộ, đón xe và gửi ông cụ đi Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Có lẽ hình ảnh ấy là hình ảnh đầu tiên để lại trong ký ức tôi và dẫn dắt tôi đi vào con đường đại học y khoa khi tôi hoàn tất tú tài toàn.

tuthien42017_9

Bs. Nguyễn Hữu Tùng trong một lần khám bệnh từ thiện

Sau khi đậu tú tài toàn, tôi xin phép cha mẹ và tự đón xe vào Sài Gòn. Tôi chưa biết Sài Gòn, nhưng nghe Sài Gòn hoa lệ, ánh sáng về đêm rực rỡ. Con người nơi ấy hào hiệp, phóng khoáng. Một thành phố năng động và nhiều cơ hội cho mình. Nhưng khi vào Sài Gòn, tôi không thi vào Khoa Y mà thi vào trường Nông lâm súc, vì trường Nông lâm súc thời gian học ngắn hơn, ít tốn kém hơn và về giúp ngay cho cha mẹ để cải thiện sức lao động thường ngày. Những tháng ngày ở Sài Gòn gian nan khó tả, luôn luôn phải đi bộ hàng chục cây số một ngày và bụng luôn cồn cào. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ cha mẹ và anh chị em khôn xiết.

Buổi chiều cuối của kỳ thi Nông lâm súc, tôi về nhà trọ của người bà con đồng hương cho ở tạm trú, tôi nhận được một điện tín: “Ở Huế có thi dự bị y khoa, em muốn thì về ngay, còn 1 tuần nữa là hết hạn nhận đơn”. Bạn cùng quê, cùng phòng cho tôi mượn tiền và mua một vé máy bay về Đà Nẵng. Và ngày sau, tôi ra Huế thi dự bị y khoa, tôi đậu thứ 5/ 70 thí sinh. Năm sau tôi thi vào trường Y khoa Huế, đứng thứ 7/ 56 thí sinh đỗ năm đó (1972). Như vậy, giấc mộng bước chân vào trường Y của tôi đã đạt được. Rời xa Sài Gòn hoa lệ, chia tay những kỷ niệm buồn vui của tháng ngày ở đó. Hôm nay tôi trở lại quê với một giấc mơ dài. Sinh viên Y khoa Huế - tôi tưởng tượng khi ra trường y khoa về vùng quê cùng bà con, gia đình, giúp những bệnh nhân nghèo, chia sẻ những gì mình đã được học, tự dưng lòng tôi dâng lên xúc cảm nghẹn ngào khó tả. Hạnh phúc dâng trào khi cứu được một bệnh nhân hiểm nghèo, một căn bệnh khó, được bà con khen bác sĩ giỏi, được cha mẹ, anh em, họ hàng và xóm giềng quý mến. Khi nghĩ đến, tâm hồn tôi thanh thản và hạnh phúc vô bờ.

Ngày đầu tiên đến trường Y, giờ đầu trên sân trường Y khoa Huế, lòng tôi bâng khuâng khó tả, tôi cảm giác trưởng thành và tự hào lắm. Khi nghĩ đến các ngành khác, mình thấy nó chẳng là gì, và ý chí trở thành một bác sĩ trong tôi cứ lớn dần qua năm tháng.

Hai năm đầu, sinh viên chủ yếu đến giảng đường để học lý thuyết, tôi thích nhất môn giải phẫu, mổ xác và sinh lý, đó là những môn cơ bản về y khoa. Thầy giảng bài đại học mà giống như là giảng bài THPT, sinh viên cặm cụi ghi lại các câu, chữ nào ghi không kịp thì tối về mượn sách vở các bạn để điền vào chỗ trống, hay tập trung nhiều sách nước ngoài để khảo cứu một đề tài thì mới hiểu hết những gì thầy giảng, khi thấy thầy giảng mà vẫn không hiểu là chúng tôi xin thầy đề tài và về nhà tự soạn, tuần sau lên thuyết trình. Đó là một sự đổi mới trong giảng dạy, nhưng cũng ít thầy chịu làm như vậy, chỉ có thầy dạy sinh lý.

Những bài học giảng tiếng Anh có, tiếng Việt có, nhưng đa phần các thầy soạn sẵn ngắn gọn và sinh viên thì tự tìm sách vở tại thư viện để học. Những năm đầu là những năm học cơ bản, nhưng phải thật cố gắng nếu không sẽ ở lại lớp hoặc nợ môn thì “quê lắm”. Nên sinh viên học ngày học đêm. Thứ 7, Chủ nhật thì rủ nhau cafe nhưng cafe để thức mà học, các anh chị năm 5,6 thì có giờ hơn, đôi khi tổ chức nhảy đầm.

Ngày mà bất cứ sinh viên y khoa nào cũng mong đợi đó là ngày được đi bệnh viện. Vì nếu có đến bệnh viện, thì mới gọi là sinh viên y khoa chứ. Sinh viên chúng tôi được thông báo may áo Blouse trắng để chuẩn bị đi thực tập bệnh viện. Cả đêm hôm trước lòng cứ rạo rực chờ trời sáng để đến bệnh viện, được mặc áo Blouse, được nhìn thấy anh chị bác sĩ, nhìn thấy anh chị lớp đàn anh, nhìn thấy môi trường bệnh viện, được nhìn thấy những thiết bị y khoa, nhìn thấy nỗi đau người bệnh, hay chứng kiến được  niềm vui, hạnh phúc cũng như nụ cười người bệnh mỗi khi khỏi bệnh, nhìn thấy cô điều dưỡng đưa bệnh nhân đi chụp film, đi xét nghiệm, được nghe mùi bệnh viện, và nhất là được ngồi kề người bệnh để hỏi về hoàn cảnh, về gia đình, về tình trạng đau ốm, nhập viện. Đây là cảm xúc không thể nào quên của cuộc đời người sinh viên y khoa khi lần đầu đến bệnh viện gặp người bệnh và tâm tình với họ và được họ “chịu” tâm tình thổ lộ. Đó như một thành công bước đầu trong chinh phục bệnh nhân.

Rồi đến thời gian được chia trực, trực luân phiên, khoa nội, ngoại, sản, nhi, cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật,… những đêm dài thức trắng cùng đàn anh mà ánh mắt sáng như sao mỗi khi gặp  bệnh khó, ánh mắt hiền dịu mỗi khi có bệnh nặng vào cấp cứu, xử lý thật nhanh nhưng thật bình tĩnh, khéo léo. Chứng kiến những ca nặng, bác sĩ tận tụy nhưng bệnh nhân không qua khỏi, ánh mắt buồn xa xăm và những giọt nước mắt “bác sĩ” chảy xuống, lòng tôi như nặng trĩu nghĩ về kiếp con người, thân phận về nỗi đau khổ, mất mát và những khó khăn của gia đình, tim tôi như nhói lên nặng trĩu. Có lẽ hình ảnh bệnh nhân, hình ảnh người thầy thuốc, hình ảnh những đêm trực dài hun hút, hình ảnh chết chóc, hình ảnh người điều dưỡng một mình trong phòng hồi sức đầy bệnh nhân nặng, cặm cụi viết hồ sơ bệnh nhân, viết báo cáo lúc nữa đêm, ngày một, ngày hai đã làm dày thêm nỗi niềm, đức độ và sự cảm nhận nghề thầy thuốc thật thiêng liêng làm sao. Đó là một thiên chức, đòi hỏi phải tôi luyện kỹ năng, phải có trái tim biết rung động, một tâm hồn cao thượng và một khối óc tinh tường. Một trái tim biết rung động và lòng trắc ẩn mới thấu hiểu được nỗi khổ một kiếp người. Do đó, người ta nói trước khi làm thầy thuốc chữa người bệnh thì trở thành con người trước đã.

Vào 2 năm cuối (năm 5 và 6). Tôi chọn khoa nhi vì tôi thích trẻ em, trẻ em khi bị bệnh chỉ có khóc và tôi cảm nhận tiếng khóc là một ngôn ngữ cần tìm hiểu ở trẻ em. Nhờ những năm đầu học tập tốt, nhất là những môn cơ bản, cũng như những môn sinh lý bệnh, triệu chứng học và phương pháp luận (phân tích, tổng hợp logic). Do đó, tôi ra trường y khoa/ khoa nhi có điểm cao. Tôi được bệnh viện tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nhận ngay vào khoa nhi, mặc dù lúc bấy giờ bệnh viện không được phép nhận vì sinh viên mới ra trường phải về tuyến tỉnh làm việc. Ngày ấy bệnh viện đối với tôi là nhà, là nơi thỏa chí đam mê nghề nghiệp, nơi chia sẻ lòng trắc ẩn và nơi để gặp những ánh mắt trìu mến dễ thương của các trẻ em bị bệnh, tôi luôn sáng tạo trong công việc, chia sẻ công việc với mọi người, học từ mọi người. Không bao lâu sau, khoa cấp cứu tôi thành khoa anh hùng toàn quốc. Nhưng tôi luôn thắc mắc, hồ nghi về năng lực của mình, vì sao bệnh nhi chết nhiều đến vậy. Nhất là bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên, tôi chưa trả lời được câu này. Tôi xung phong đi về tuyến dưới và chọn Huyện Đại Lộc để xây dựng một khoa nhi cho bệnh viện này, tôi quyết tâm học hỏi từ sự thiếu thốn ở bệnh viện Huyện này, học hỏi từ người bệnh, từ nhân viên, để làm sao giữ giữ bệnh nhân ở lại bệnh viện huyện chữa trị  và không chuyển lên tuyến trên những bệnh mà mình có thể chữa tốt ngay tuyến đầu.

Tôi đã thành công xây dựng khoa nhi. Hai tháng sau, tôi được đề cứ làm Giám đốc tăng cường cho Bệnh viện Đại Lộc. Hai năm sau, Bệnh viện Đại Lộc trở thành ngọn cờ đầu toàn tỉnh trong quản lý bệnh viện chất lượng khi tôi ở tuổi 31. Và con đường bác sĩ quản lý bệnh viện của tôi cũng bắt đầu từ đó. Tôi nghĩ “Một bác sĩ một lúc chỉ có thể cứu được một người bệnh nặng, nhưng nếu là một Giám đốc bệnh viện giỏi, sẽ cứu được hàng trăm, hàng nghìn người cùng một lúc”.

Tôi chưa qua trường lớp quản lý bệnh viện chuyên nghiệp, nhưng những gì tôi có được hôm nay, phát sinh từ thực tế khó khăn của bệnh viện cộng với sự học tập rất cơ bản thời sinh viên, lòng yêu nghề nghiệp, đam mê với nghề và biết yêu thương chia sẻ với bệnh nhân, đồng nghiệp. Tôi có thể làm điều nhỏ nhất, đến điều lớn nhất trong sự nghiệp y tế chẳng hạn như tạo ra một thương hiệu y tế quốc gia: Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Tập đoàn Y khoa Tâm Trí và bây giờ là lập ra trường Y khoa với mong ước tạo ra hình ảnh thầy thuốc tương lai giỏi hơn, chất lượng hơn chúng tôi thời trước.

Các bạn có thể không chọn được nghề mình mong ước, nhưng nghề y sẽ chọn bạn và đưa bạn thành một bác sĩ hoàn hảo – tâm trí vẹn toàn, nếu bạn có tâm huyết và tấm lòng nhân ái.

PCTU pctu Hội nghị khoa học