Đại học Phan Châu Trinh
Đại học Phan Châu Trinh
Tuyển Sinh Đại Học
Tuyển sinh Đại học 2024
Kết nối với chúng tôi qua Zalo:

Liên hệ tuyển sinh

Gửi email cho chúng tôi:
Gọi hoặc Zalo cho chúng tôi:
Gửi hồ sơ về:
09 Nguyễn Gia Thiều, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, Quảng Nam
Theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội
Theo dõi chúng tôi trên phương tiện truyền thông xã hội để không bỏ lỡ thông tin quan trọng về đăng ký, học bổng, cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và trải nghiệm đa dạng trong các hoạt động của chúng tôi.

6 đột phá y học thế giới năm 2021

Trong năm 2021, nhân loại chứng kiến sự ra đời của nhiều đột phá nhằm đẩy lùi đại dịch cũng như ngăn ngừa, điều trị các bệnh thường quy nói chung.

Do ảnh hưởng của Covid-19, trong những năm gần đây, mỗi thành tựu khoa học, y tế đều được toàn thế giới chú ý. Các thử nghiệm tìm hiểu sự đột biến của nCoV, quá trình phát triển thần tốc vaccine, trở thành nguồn hy vọng cho toàn cầu.

Hai vaccine Covid-19 hiệu quả ra đời nhanh kỷ lục

Theo các chuyên gia y tế công cộng, để đặt dấu chấm hết cho đại dịch đã kéo dài hơn hai năm, thế giới cần có vaccine an toàn và hiệu quả. Kể từ 2020, các công ty dược phẩm chạy đua để xác định đặc điểm của nCoV, tìm hiểu cách virus xâm nhập hệ thống miễn dịch và phát triển loại vaccine ngăn chặn điều đó.

Tính đến tháng 11/2021, ít nhất 28 ứng viên triển vọng được thử nghiệm trên người, 15 loại được phê duyệt khẩn cấp khắp thế giới. Song chỉ hai vaccine đủ nổi bật về cả công dụng và tính an toàn là Pfizer và Moderna. Vaccine ra đời chỉ sau hơn một năm nghiên cứu thử nghiệm - khoảng thời gian ngắn chưa từng thấy.

Tuy nhiên, công nghệ mRNA mà hai vaccine này sử dụng đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Cơ chế của chúng là khai thác thông tin di truyền của virus, hướng dẫn tế bào cách đẩy lùi mầm bệnh. Sau quá trình tạo kháng thể ban đầu, hệ miễn dịch của người huy động tế bào bạch cầu T và B nhằm tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh, đồng thời ghi nhớ virus để phòng vệ trong các lần tấn công sau.

Bộ đôi vaccine hoạt động tốt trong thử nghiệm lâm sàng và cả thực tế. Vaccine giảm gần 100% nguy cơ nhập viện. Theo các nhà khoa học, cần mở rộng nguồn vũ khí để hạn chế sự lây lan của virus, song vaccine mRNA vẫn là nòng cốt để thay đổi tiến trình đại dịch và tương lai y học nói chung.

Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 tại thành phố Tel Aviv, Israel, tháng 12/2021. Ảnh: AFP

Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 tại thành phố Tel Aviv, Israel, tháng 12/2021. Ảnh: AFP

Kit xét nghiệm Covid-19 tại nhà

Vaccine làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm Covid-19, song chúng không hoàn hảo. Các ca nhiễm đột phá sẽ tiếp tục xuất hiện ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng ở cộng đồng cao.

Đây là lúc thế giới cần đến loại xét nghiệm đơn giản, nhanh chóng để tự sàng lọc tại nhà, giảm thiểu gánh nặng cho đội ngũ y tế. Xét nghiệm cho phép người dùng kiểm tra tình trạng lây nhiễm của mình mà không gần đến bác sĩ chỉ với một miếng gạc mũi, một ống trộn và nhỏ giọt dung dịch, chất lỏng xử lý và bộ phân tích.

Xét nghiệm tại nhà là nòng cốt trong chiến lược "sống chung với Covid-19" của nhiều quốc gia, giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Liệu pháp mới cho những căn bệnh chết người

Hội chứng lão hóa sớm Hutchinson-Gilford, hay còn gọi là chứng lão nhi, là một tình trạng di truyền hiếm gặp, gây tử vong ngay trong thời kỳ thơ ấu với các đặc điểm nổi bật là lão hóa sớm. Trẻ gặp tình trạng này có ngoại hình bình thường ở giai đoạn sơ sinh, song từ 9 đến 24 tháng tuổi sẽ chậm phát triển thấy rõ. Các em cũng bị biến dạng khuôn mặt, hàm kém phát triển, dị dạng ở răng,...

Người được chẩn đoán mắc hội chứng Hutchinson-Gilford hiếm khi sống quá 15 tuổi. Đến nay, các phương pháp điều trị chỉ có thể nhắm vào triệu chứng và biến chứng.

Căn bệnh xảy ra khi đột biến gene làm thay đổi protein trong nhân tế bào của người mang mầm bệnh. Protein bị lỗi, được gọi là progerin, khiến các tế bào chết sớm. Năm 2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt thuốc Zokinvy, giúp ngăn chặn tích tụ progerin bị lỗi, từ đó giảm thiểu tổn thương nó có thể gây ra.

Ngoài việc kéo dài vài năm tuổi thọ cho người bệnh, thuốc mới cũng làm giảm triệu chứng các vấn đề tim mạch và xương liên quan, ảnh hưởng đến khoảng 400 trẻ toàn thế giới.

Bước tiến lớn về liệu pháp gene

Kể từ năm 2012, các chuyên gia đã nghiên cứu về công cụ chỉnh sửa gene CRISPR nhằm điều trị các bệnh do đột biến DNA gây ra. Song cho đến 2020, phương pháp này chỉ được sử dụng điều trị người bệnh có đột biến trong máu, chẳng hạn tình trạng thiếu máu hồng cầu hình liềm.

Tháng 8/2021, các nhà khoa học công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng trên 6 tình nguyện viên được sửa chữa khiếm khuyết di truyền gây ra bệnh hiếm về gan có tên amyloidosis transthyretin.

Được đóng gói bên trong hạt nhỏ gọi là nano lipid, công nghệ chỉnh sửa gene đi đến gan, điều chỉnh các tế bào bị lỗi. Các chuyên gia còn chặng đường dài nghiên cứu trước khi đưa phương pháp này đến công chúng. Song nếu thành công, đây sẽ là công cụ tiềm năng điều trị các loại bệnh về di truyền.

Vaccine đầu tiên ngăn ngừa sốt rét

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng 10/2021 phê duyệt vaccine đầu tiên ngăn ngừa bệnh sốt rét, có thể cứu mạng hàng nghìn trẻ em mỗi năm.

Vaccine có tên gọi Mosquirix, do hãng dược GlaxoSmithKline sản xuất, kích hoạt hệ miễn dịch ngăn ngừa Plasmodium falciparum - loại ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất, phổ biến ở châu Phi. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên được phát triển cho một bệnh ký sinh trùng, vốn phức tạp hơn nhiều so với bệnh từ virus hoặc vi khuẩn. Việc tìm kiếm loại vaccine an toàn và hiệu quả ngừa sốt rét đã kéo dài hàng trăm năm.

Mosquirix được tiêm ba liều cho trẻ em 5-17 tháng, liều thứ tư khoảng 18 tháng sau đó. Sau các nghiên cứu lâm sàng, vaccine đã được đưa vào sử dụng ở ba nước Kenya, Malawi và Ghana trong chương trình tiêm chủng đại trà. Các nước đã tiêm 2,3 triệu liều vaccine cho hơn 800.000 trẻ em, nâng tỷ lệ bảo vệ khỏi bệnh sốt rét từ 70% lên hơn 90%.

Động thái của WHO là bước đầu tiên giúp việc phân phối vaccine rộng rãi ở các nước nghèo trở nên dễ dàng hơn. Tiến sĩ Pedro Alonso, giám đốc chương trình sốt rét toàn cầu của WHO, gọi đây là sự kiện lịch sử.

Hai lọ vaccine Mosquirix tại một bệnh viện ở Yala, Kenya, tháng 10/2021. Ảnh: AFP

Hai lọ vaccine Mosquirix tại một bệnh viện ở Yala, Kenya, tháng 10/2021. Ảnh: AFP

Liệu pháp điều trị Ebola đầu tiên

Khi nhiễm virus Ebola, nhiều bệnh nhân bị sốt cao, xuất huyết nghiêm trọng và suy đa tạng. Một nửa trong số đó tử vong. Các nhà nghiên cứu tại công ty công nghệ sinh học Regeneron đã tạo ra loại kháng thể đơn dòng bắt chước hoạt động của hệ thống miễn dịch giúp tiêu diệt mầm bệnh.

Thuốc có tên gọi Inmazeb, là sự kết hợp của ba kháng thể nhắm vào một protein trên bề mặt virus Ebola. Ở thử nghiệm lâm sàng, 66,2% trong số 154 người dùng Inmazeb đã hồi phục, cao hơn so với 49% ở nhóm giả dược.

Dù đây không phải phương pháp hiệu quả 100%, các kháng thể đơn dòng rất hữu ích trong việc điều trị bệnh do virus gây ra. FDA năm 2021 đã phê duyệt khẩn cấp hai loại kháng thể đơn dòng dành cho người mắc Covid-19.

Thục Linh (Theo Popular Science)

Nguồn: https://vnexpress.net/6-dot-pha-y-hoc-the-gioi-nam-2021-4422341.html

PCTU pctu Hội nghị khoa học