Sự tiến hóa của AI mang tính tất yếu khách quan, làm thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan của chúng ta cũng như nó thay đổi hạ tầng xã hội, kinh tế và nhất là giáo dục, y tế. Chúng ta không thể cưỡng lại sự phát triển này, mà phải tìm hiểu, nhận biết về nó, để sử dụng và khai thác AI phục vụ cho lợi ích chính đáng của con người.
Nhận thấy điều đó, từ khi ra đời, ĐH Phan Châu Trinh (PCTU) đã xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển trường dựa trên công nghệ thông tin, lấy AI làm hệ sinh thái, tạo môi trường dạy và học bằng công nghệ thông tin, công nghệ hóa các hoạt động đào tạo và điều hành.
Mới đây, PCTU đã thành lập đơn vị "Y học sâu" (Deep Medicine Unit), bao gồm các nhân tố AI, quản lý và khai thác dữ liệu y tế để chuyển đổi nền tảng giáo dục y khoa và chuyên môn y tế theo hướng tiếp cận với những thay đổi của AI. Từ năm 2019, PCTU đã phát triển nguồn dữ liệu y tế từ hệ thống viện – trường PCTU- Tâm trí, tất cả dữ liệu y tế thô và hình ảnh chẩn đoán của các Bv trong hệ thống được chuyển về và lưu trữ tại trường, mục tiêu phục vụ cho nghiên cứu phát triển phần mềm AI cho chẩn đoán và điều trị, cũng như phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Thêm vào đó, hiện tượng cách ly xã hội do Covid-19 như là một tác nhân thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng những tiến bộ của khoa học dữ liệu tại PCTU mạnh mẽ hơn.
Hiện tại, PCTU đã ứng dụng AI vào một số hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Trong giảng dạy lý thuyết, AI được sử dụng hỗ trợ giảng viên trong việc soạn thảo bài giảng e-learning một cách hiệu quả và chính xác. Các công cụ AI giúp phân tích và tổng hợp nội dung từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau để tạo ra các bài giảng đầy đủ và chi tiết. Nhờ đó, giảng viên tiết kiệm thời gian và tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, sử dụng dữ liệu về nhu cầu và trình độ của sinh viên để tạo ra các bài giảng được cá nhân hóa, phù hợp với từng sinh viên. Điều này đảm bảo rằng mỗi sinh viên đều nhận được sự hỗ trợ tốt nhất, giúp họ tiến bộ nhanh chóng trong quá trình học tập. Nhà trường cũng xây dựng hệ thống TLED (Teaching and Learning Experience Dashboard) được hỗ trợ bởi AI để giảng viên theo dõi tiến độ học tập của sinh viên một cách chi tiết. Đồng thời, hệ thống còn có khả năng phân tích dữ liệu học tập và đưa ra các báo cáo, giúp giảng viên nhận diện những sinh viên gặp khó khăn và cung cấp hỗ trợ kịp thời.
Trong hoạt động giảng dạy thực hành, AI được ứng dụng để tạo ra các bệnh lý mô phỏng, nơi sinh viên có thể thực hành trong môi trường an toàn và được kiểm soát. Bệnh viện mô phỏng cung cấp các kịch bản ca bệnh lâm sàng thực tế, giúp sinh viên trải nghiệm các tình huống lâm sàng đa dạng và phát triển kỹ năng chẩn đoán và điều trị. Cụ thể:
Trong giảng dạy lâm sàng, AI được sử dụng trong đánh giá bệnh án điện tử, đánh giá kỹ năng lâm sàng và giảng dạy bằng hình ảnh trước khi tiếp xúc với bệnh nhân.
Trong nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã thực hiện một nghiên cứu sự hài lòng của bệnh nhân giữa ChatGPT và các bác sĩ lâm sàng tại các bệnh viện Tâm Trí cho thấy AI mang lại ưu thế hơn trong tư vấn sức khỏe cho người bệnh. Nghiên cứu này cho thấy ChatGPT 4.0 có thể cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe chất lượng cao, thậm chí vượt trội hơn so với bác sĩ lâm sàng trong một số khía cạnh. Điều này mở ra cơ hội lớn cho việc áp dụng AI trong tư vấn và chăm sóc sức khỏe. Kết quả ghi nhận điểm trung bình hài lòng với Bác sĩ lâm sàng là 3,83 điểm và với ChatGPT là 4,03 điểm. Tỷ lệ rất hài lòng ChatGPT chiếm ưu thế với 26,6% so với 18,0% đối với bác sĩ lâm sàng. Tỷ lệ hài lòng của ChatGPT là 50,8%, bác sĩ lâm sàng là 48,4%. Trong khi đó tỷ lệ không hài lòng của ChatGPT 0,6% thấp hơn so với bác sĩ lâm sàng là 1,8%.
Ở một nghiên cứu khác về so sánh khả năng đưa ra quyết định y khoa của ChatGPT so với bác sĩ lâm sàng thì kết quả ghi nhận ChatGPT có tiềm năng hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là trong những trường hợp đơn giản và phổ biến như bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, với những bệnh phức tạp hơn, vai trò của bác sĩ lâm sàng vẫn là không thể thay thế.
Quy tắc ứng xử khi sử dụng AI tại PCTU
Trong bối cảnh hiện tại, AI đã thay đổi nhận thức và tư duy từ góc độ của nhà quản lý đến nhân viên và người học. Điều này đòi hỏi chúng ta cần thay đổi để thích nghi. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI cần được xem xét trong giới hạn quy chuẩn. Do vậy, Nhà trường đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử khi sử dụng AI trong toàn hệ thống, đề cập đến phạm vi, quy tắc sử dụng, chuẩn mực đạo đức và xử lý vi phạm đối với giảng viên, nhân viên và người học.
Bộ quy tắc gồm 4 phần: quy chế, quy tắc sử dụng AI trong dạy học tại trường, Quy định giảng viên sử dụng AI trong việc dạy học, quy định cho sinh viên y khoa học, làm luận văn, dự án và nghiên cứu khoa học tại trường và quy định cho nhân viên hành chính, thư viện, quản lý bảo tàng y khoa và kiểm định giáo dục sử dụng AI trong công việc.
Trong đó nhấn mạnh, việc sử dụng AI để gian lận trong thi cử, đánh giá hoặc đạo văn sẽ bị xử lý theo quy chế. Với giảng viên, việc cung cấp và sử dụng thông tin không chính xác hoặc thiếu minh bạch trong số liệu nghiên cứu cũng được xem là vi phạm.
Những bộ công cụ được sử dụng để phát hiện đạo văn như Turnitin, Grammarly, Copyscape hay Plagscan. Với cơ sở dữ liệu khổng lồ và công nghệ máy học, đây là công cụ hữu ích trong việc phát hiện nội dung sao chép hay trích dẫn không đúng cách. Quy trình, phương pháp cũng quy định chi tiết trong bộ Quy tắc này.
Việc ứng dụng AI trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại PCTU đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. AI không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu mà còn nâng cao trải nghiệm của sinh viên và bệnh nhân. Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục đầu tư và phát triển các ứng dụng AI để khai thác tối đa hóa tiềm năng của công nghệ này, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế.
Chúng tôi nghĩ rằng, AI có thể hỗ trợ con người trong quản lý trường đại học và bệnh viện, tự động liên kết tất cả hoạt động từ giảng dạy, hành chính, tuyển sinh đến các hoạt động chuyên môn và kinh doanh. Bước tiến đến mô hình Trường đại học y khoa thông minh, Bệnh viện thông minh không còn là viễn cảnh.
Nguồn: Ứng dụng AI tại Trường đại học Phan Châu Trinh (thanhnien.vn)