Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y khoa Phan Châu Trinh đã ứng dựng kỹ thuật MIPO và hệ thống C-arm di động để phẫu thuật, cứu chữa thành công bệnh nhân gãy hai xương cẳng chân do tai nạn giao thông.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gãy hai xưởng cẳng chân sau tai nạn giao thông
Bệnh nhân nam 15 tuổi, nhập viện trong tình trạng gãy phức tạp hai xương cẳng chân đi kèm nguy cơ chèn ép khoang cấp tính (tình trạng cấp cứu ngoại khoa có thể dẫn đến hoại tử cơ, mất chức năng chi nếu không can thiệp kịp thời).
Bác sĩ Cao Anh Thái - phẫu thuật viên chính và ekip mổ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân bằng kỹ thuật MIPO (Minimally Invasive Plate Osteosynthesis) – phương pháp kết hợp xương ít xâm lấn, hiện đại. Trong quá trình mổ, ekip sử dụng hệ thống C-arm di động để hỗ trợ cung cấp hình ảnh X-quang thời gian thực, giúp định vị chính xác ổ gãy và vị trí đặt nẹp vít – yếu tố quan trọng nâng cao độ chính xác.
Bệnh viện Đại học Y khoa Phan Châu Trinh sử dụng kỹ thuật MIPO và máy C-arm để phẫu thuật cho bệnh nhân
Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo. Chi trước người bệnh được hồi tưới máu tốt (máu lưu thông trở lại đầy đủ, các mạch máu trong chi hoạt động bình thường, cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho mô cơ, thần kinh và các bộ phận khác). Vài ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn tập phục hồi chức năng dưới sự theo dõi của các bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu nhằm giúp hạn chế cứng khớp, teo cơ, hỗ trợ phục hồi nhanh.
Bệnh nhân được hướng dẫn tập phục hồi chức năng chuyên biệt theo tình trạng bệnh
MIPO (Minimally Invasive Plate Osteosynthesis) là một kỹ thuật phẫu thuật kết hợp xương ít xâm lấn được sử dụng trong điều trị gãy xương – đặc biệt là các xương dài như xương đùi, xương cẳng chân, xương cánh tay. Phương pháp phẫu thuật này giúp bảo tồn tối đa phần mềm và mạch máu quanh ổ gãy; giảm đau, hạn chế biến chứng nhiễm trùng; tối ưu khả năng liền xương và phục hồi chức năng; vết mổ nhỏ, ít sẹo, phù hợp với bệnh nhân trẻ.