* Bản tin cập nhật lúc 8h10 ngày 24-3
* Hàn Quốc vừa ghi nhận thêm 76 ca nhiễm, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 9.037 ca, trong đó 118 ca tử vong.
* Thái Lan ghi nhận ca tử vong thứ hai do COVID-19. Hiện số ca nhiễm ở nước này là 721 ca.
Cuba đóng cửa trường học, cách ly khách du lịch nước ngoài
Thủ tướng Cuba Manuel Marrero thông báo công dân Cuba sẽ không được phép xuất cảnh cũng như đi lại giữa các tỉnh thành trong nước, đồng thời tuyên bố đóng cửa trường học ở mọi cấp trên toàn quốc cho tới ngày 20-4.
Trước đó, Chính phủ Cuba cũng đã thông báo cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài kể từ ngày 24-3, trừ trường hợp công dân Cuba và người cư trú, tuy nhiên kể từ ngày này tất cả các đối tượng nhập cảnh vào nước này bắt buộc phải tới các trung tâm cách ly trong 14 ngày.
Với hơn 32.000 khách du lịch hiện vẫn đang trong lãnh thổ Cuba, chính quyền cho hay sẽ áp dụng cách ly ngay tại khách sạn. Ngoài ra, hơn 9.400 du khách hiện đang thuê nhà tư nhân (homestay) sẽ được vận chuyển miễn phí tới các khách sạn do chính quyền địa phương chỉ định.
Tới nay Cuba đã ghi nhận 40 ca nhiễm COVID-19 và 1 ca tử vong, tất cả đều được xác định nguồn bệnh từ nước ngoài và những người tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng trên.
Số ca dương tính tại Brazil tăng lên gần 1.900 người
Bộ Y tế Brazil cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 345 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 1.891 người, trong khi số ca tử vong cũng tăng từ 25 lên 34 người.
Toàn bộ 27 bang của Brazil đã có người nhiễm bệnh, trong đó Sao Paulo là bang có nhiều ca dương tính nhất với 745 người, tiếp đến là Ceara (163 người), Brasilia (133 người) và Minas Gerais (128 người).
Thống đốc Sao Paulo Joao Doria đã ban bố lệnh phong tỏa toàn bang trong thời gian 15 ngày kể từ 0h ngày 24-3, trong đó bao gồm cả việc đóng cửa toàn bộ các trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh, trừ các hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm.
Ý: Tăng 602 ca tử vong một ngày
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ nhà chức trách Ý cho hay số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 602 ca trong ngày 23-3, lên 6.078 ca tử vong. Số ca tử vong tăng thêm 11%, nhưng là mức tăng ít nhất xét về số ca kể từ hôm 19-3.
Trước đó, vào các ngày 20-3, 21-3 và 22-3, nước Ý lần lượt ghi nhận số ca tử vong mới là 627, 793 và 651 ca.
Trong khi đó, tổng số ca nhiễm ở Ý đã tăng từ 59.138 ca lên 63.927 ca, tức tăng khoảng 8%. Đây là mức tăng xét về % thấp nhất kể từ khi dịch lây lan nhanh ở Ý vào ngày 21-2, theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý. Còn số ca hồi phục ở Ý đã tăng từ 7.024 ca lên 7.432 ca.
* Theo cập nhật của trang Worldometers, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng thêm 9.883 ca, lên tổng cộng 43.449 ca. Còn số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 132 ca, lên 545 ca. Hiện Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ý.
* Tại Vương quốc Anh, có thêm 54 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 335 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm đã tăng từ 5.683 lên 6.650 ca trong ngày 23-3.
* Số ca tử vong do COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng thêm 7 ca, lên 37 ca. Còn tổng số ca nhiễm tăng thêm 293 ca, lên 1.529 ca.
* Ai Cập ghi nhận thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 19 ca. Trong số các ca tử vong có một quan chức quân đội cấp cao của Ai Cập. Số ca nhiễm ở nước này tăng thêm 39 ca, lên 366 ca.
Thủ tướng Đức âm tính với virus corona chủng mới
Một người phát ngôn chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được xét nghiệm và cho ra kết quả âm tính với virus corona chủng mới. Trước đó, nữ thủ tướng 65 tuổi đã tự cách ly tại nhà vì tiếp xúc với một bác sĩ nhiễm bệnh.
Thêm một số nước thông báo phong tỏa
Ngày 23-3, Cyprus đã thông báo phong tỏa đảo quốc này cho tới ngày 13-4 để giảm sự lây lan của COVID-19. Đến nay quốc gia Địa Trung Hải này đã ghi nhận 116 ca nhiễm.
"Chúng ta thật sự đang trong tình trạng chiến tranh và đó là một cuộc chiến mà chúng ta chỉ chiến thắng nếu chúng ta sẵn sàng cho một tình huống khó khăn" - Tổng thống Nicos Anastasiades của Cyprus tuyên bố.
Còn Nam Phi cho biết sẽ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày bắt đầu từ nửa đêm 26-3 để ngăn sự lây lan của COVID-19. Số ca bệnh COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 128 ca, lên 402 ca.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố các biện pháp mới để buộc người Anh ở lại trong nhà giúp ngăn lây lan COVID-19, đưa Vương quốc Anh rơi vào tình trạng phong tỏa trong ít nhất 3 tuần kể từ tối 23-3 (giờ địa phương). Những biện pháp mới là chưa từng có trong thời bình ở Anh.
Tổng thống Trump: Thử nghiệm lâm sàng thuốc trị COVID-19 ngày 24-3
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một cuộc thử nghiệm lâm sàng về điều trị bệnh COVID-19 sẽ sớm bắt đầu tại New York. Một lần nữa, ông cũng tin rằng việc kết hợp thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine và thuốc kháng sinh azithromycin có thể giúp trị được bệnh.
"Các cuộc thử nghiệm lâm sàng với những loại thuốc hiện có, mà có thể hiệu quả để đối phó virus corona chủng mới, sẽ bắt đầu tại New York. Chúng tôi có 10.000 đơn vị và sẽ tiến hành trong ngày 24-3" - ông Trump thông tin.
Bang đầu tiên ở Mỹ thả tù nhân để giảm lây lan COVID-19
Thống đốc bang New Jersey cho hay bang này có kế hoạch thả các tù nhân "nguy cơ thấp" vẫn còn đang thụ án ở bang này để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Đây cũng là bang đầu tiên ở Mỹ có động thái này.
"Chúng tôi là bang duy nhất ở Mỹ đang làm điều này", thống đốc bang New Jersey, ông Phil Murphy, thông tin. Những tù nhân được thả sẽ phải ở tại nhà theo lệnh của chính quyền và sẽ quay lại thụ án một khi cuộc khủng hoảng y tế này qua đi.
IFM: suy thoái toàn cầu 2020 có thể tệ hơn 2009
Ngày 23-3, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva nói rằng nền kinh tế thế giới đang đối mặt với thiệt hại "nghiêm trọng" do đại dịch COVID-19 và cuộc suy thoái toàn cầu năm nay thậm chí có thể tồi tệ hơn khủng hoảng tài chính năm 2009, do đó cần một phản ứng chưa từng có.
Bình luận trước bộ trưởng tài chính đến từ các nước thành viên G20, bà Georgieva đã kêu gọi các nền kinh tế phát triển hỗ trợ thêm cho các nước có thu nhập thấp. Bà tuyên bố IMF "sẵn sàng triển khai toàn bộ năng lực cho vay mượn 1.000 tỉ USD".
Giám đốc điều hành IMF cảnh báo viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 "sẽ tiêu cực, là một cuộc suy thoái mà ít nhất tồi tệ giống thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2009) hoặc tồi tệ hơn". Tuy nhiên, theo IMF, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ khôi phục vào năm 2021.
WHO cảnh báo về việc dùng thuốc chưa thử nghiệm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23-3 cảnh báo việc sử dụng các loại thuốc chưa được thử nghiệm để chữa trị COVID-19 mà không có bằng chứng về tính hiệu quả có thể gây nguy hiểm và tạo ra những kỳ vọng giả tạo.
"Việc sử dụng những loại thuốc chưa được thử nghiệm mà không có bằng chứng đúng đắn có thể tạo ra niềm hi vọng giả tạo và thậm chí lợi bất cập hại. Nó cũng gây thiếu hụt các loại thuốc cần thiết để chữa trị những bệnh khác" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trước báo giới.