Ngày 14/02/2023, Trường Đại học Phan Châu Trinh cùng các bệnh viện thực hành trong hệ thống đã tổ chức hội thảo để thảo luận nội dung cải thiện và phát triển chương trình đào tạo theo bộ điều kiện ra trường của nhà trường và chủ trương đề án xây dựng mô hình Đại học Y khoa thông minh Phan Châu Trinh (PCTSMU – Phan Chau Trinh Smart Medical University).
Quang cảnh hội thảo
Trước đó, Hội đồng khoa học Nhà trường đã thông qua bộ điều kiện ra trường cho khối ngành sức khỏe. Để tốt nghiệp ra trường, ngoài những điều kiện chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên cần đạt 6 tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng thực hành tiền lâm sàng và lâm sàng, y đức, phục vụ cộng đồng, ngoại ngữ và khóa luận tốt nghiệp. Để đáp ứng chuẩn đầu ra, ngoài việc đảm bảo nguồn lực, tăng cường đầu tư thì chương trình đào tạo cần được cập nhật, cải tiến theo hướng tích hợp, bao gồm cả kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành kết hợp trên cùng một khối kiến thức. Cải thiện các phương pháp dạy học tích cực, kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học theo năng lực (CBL) hay dạy học theo vấn đề (PBL). Trong đó, sinh viên là đối tượng trung tâm của quá trình dạy học. Đồng thời tăng cường ứng dụng những nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào trong dạy và học để dần thích ứng với mô hình đại học số.
Sự phát triển mạnh mẽ của AI và khoa học dữ liệu trở thành một thách thức lớn cho các trường y khoa. Trong tương lai gần, khái niệm, vị trí và vai trò của người quản lý, điều hành, giảng viên và sinh viên cũng sẽ được thay đổi. Nhân sự của một tổ chức cũng sẽ giảm dần số lượng bởi có sự tham gia của nguồn lực mang trong mình “bộ não” trí tuệ nhân tạo, như ChatGPT là một ví dụ. Trong bối cảnh đó, Hội đồng trường đã sớm đề xuất một Mô hình Đại học Y khoa thông minh Phan Châu Trinh (PCTSMU – Phan Chau Trinh Smart Medical University).
Ở mô hình này, từ quá trình vận hành quản trị đến hoạt động đào tạo được điều hành bởi một hệ điều hành thông minh, được xem như là Hệ điều hành giáo dục. Trong đó, toàn bộ quá trình phục vụ cho hoạt động đào tạo được quản lý bởi hệ thống AI LMS (AI Learning Management System)
Giáo trình điện tử được xây dựng dưới sự hỗ trợ của AI. Kho học liệu số tương tác này sẽ được lưu trữ và phân phối đến người học thông qua LMS. Đồng thời, các tình huống tiền lâm sàng và lâm sàng cũng được chuyển tải thành các kịch bản điện tử. Bệnh viện thực hành cũng phải được tổ chức và hoạt động cùng mô hình tương thích gọi là bệnh viện thông minh (Smart Hostpital)… Giảng viên là người trung gian chuyển tải vấn đề, mục tiêu và phương pháp thông qua hệ thống. Còn người học, lúc này họ sẽ tiếp cận với nguồn tài nguyên số, tương tác với giảng viên điện tử để tự khai phá tri thức và rèn luyện kỹ năng. Và đích cuối cùng là sinh viên phải đạt điều kiện ra trường theo bộ chuẩn đầu ra.
Tất nhiên, trong y khoa, vai trò của việc thực hành lâm sàng tại bệnh viện và trên người thật là khó có thể thay thế một cách hoàn toàn.
Với nền tảng này, mọi lĩnh vực có thể áp dụng một cách linh hoạt, nhưng y tế và giáo dục y khoa là lĩnh vực có khả năng mang tính khả thi cao.
Bs. Nguyễn Hữu Tùng – Chủ tịch HĐ Trường trình bày Các bệnh viện trong hệ thống tham gia thảo luận trực tuyến tại hội thảo
mô hình đại học y khoa thông minh Phan Châu Trinh